Triển lãm Song tấu lạ sẽ diễn ra từ ngày 24/11 đến 8/12 tại TP HCM, trưng bày hơn 40 tác phẩm do họa sĩ Hà Nội sáng tác theo phong cách hiện thực. Đề tài của Đoàn Thúy Hạnh chủ yếu xoay quanh thế giới qua góc nhìn trẻ nhỏ, từ khoảnh khắc luyện violin, piano đến tập múa, vui chơi, tập trung ở thể loại chân dung.
Thúy Hạnh cho biết thích vẽ trẻ thơ vì quan niệm các em là hiện thân của sự thánh thiện. Màu sắc trong tranh chuyển động theo không gian gợi mở của bốn mùa, từ đó làm bật lên cảm giác yên bình, ấm áp. Họa sĩ đi sâu vào biểu cảm nội tâm của các bé gái trong tranh, như cái nhìn bỡ ngỡ, dáng vẻ làm duyên hay ánh mắt mộng mơ.
Ngoài trẻ em, Thúy Hạnh kết hợp vẽ đề tài thiên nhiên, với hoa sen, cúc, loa kèn, ngọc trâm, dâm bụt. Khác thể loại sơn mài truyền thống, họa sĩ chọn cách sử dụng chất liệu trên vải để màu sắc tươi sáng hơn, tăng khả năng biểu đạt, biên độ sáng - tối trên tranh. "Khi vẽ trẻ em, tôi cảm nhận sự thanh thản trong tâm hồn từ tình cảm yêu thương, trong sáng của các bé. Dần dà, tôi tìm thấy điều tương tự ở những loài hoa tôi yêu thích", Đoàn Thúy Hạnh nói.
Cùng chọn tranh sơn mài, chồng chị - họa sĩ Trần Đình Khương - giới thiệu 31 tác phẩm về chủ đề loài cá. Với anh, cá chép là nguồn cảm hứng lớn, biểu tượng cho sự may mắn, sung túc, gắn liền với đời sống tâm linh của nhiều người Việt. "Tôi cũng vẽ cá chọi vì loài cá này đã đi sâu vào ký ức tôi với thân hình độc đáo, màu sắc kỳ ảo, bộ vây mềm mại", họa sĩ cho biết.
Đoàn Thúy Hạnh, 49 tuổi, sinh tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1995. Họa sĩ hiện là hội viên Câu lạc bộ nữ tác giả thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trần Đình Khương sinh năm 1972 tại Hà Nội, tốt nghiệp cùng trường với Thúy Hạnh. Tác giả từng là thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ, hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi kết hôn, cặp họa sĩ cùng theo đuổi đam mê vẽ gần 30 năm qua.
Mai Nhật