Gia đình họa sĩ chọn giới thiệu tác phẩm ông thực hiện giai đoạn học tại Liên Xô (cũ). Các bức tranh đa dạng về đề tài như: phong cảnh, chân dung nhân vật, tự họa... được công bố nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Ngô Huy Quỳnh, là một trong vài người cuối cùng của thế hệ kiến trúc sư được đào tạo ở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Thời đi học, ông sớm bộc lộ là người tài hoa. Học kiến trúc nhưng đam mê hội họa, ông thường cùng các bạn ở khoa Mỹ thuật vẽ dã ngoại. Ở năm thứ ba, ông đã thiết kế một số công trình, đa phần là những ngôi nhà tư nhân, những biệt thự. Ngôi nhà 84 Nguyễn Du, biệt thự ở phố Cao Đạt - Hà Nội, những ngôi nhà ở Nam Định, Đình Bảng - Bắc Ninh,... đến nay vẫn lưu dấu nghệ thuật của ông.
Năm 1942 ông và nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Lắm - bạn cùng trường - là đồng tác giả công trình Đài trận vong chiến sĩ đặt tại Lạng Sơn, được giải nhất cuộc thi thiết kế do chính quyền thuộc địa tổ chức. Cùng năm, ông và hai bạn học ở khoa Mỹ thuật là Trần Đình Thọ và Phạm Văn Đôn tổ chức triển lãm tranh tại Hà Nội, tạo tiếng vang trong giới trí thức học sinh, sinh viên Hà Nội. Số tiền bán tranh của ông lên đến 300 đồng bạc Đông Dương - con số lớn đối với một sinh viên nghèo như ông.
Có tiền, ông quyết tâm thực hiện hành trình xuyên Việt. Trên chiếc xe đạp cũ, mang theo giá vẽ, cọ, họa sĩ lang thang hàng tháng trời qua Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn rồi sang luôn Campuchia, Lào tìm cảm hứng sáng tác. Hành trình để lại cho ông khối lượng lớn tư liệu ghi chép, ký họa, tác động sâu sắc đến đời hoạt động nghệ thuật của ông sau này.
Năm 1943, sau khi tốt nghiệp, ông làm kiến trúc sư tại văn phòng thiết kế của kiến trúc sư Võ Đức Diên. Từ đó, ông tham gia Việt Nam Cứu Quốc Hội và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc... Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông được cử tham gia lập chính quyền tại thành phố Nam Ðịnh.
Ngày 1/9/1945, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh được giao trọng trách thiết kế và dựng lễ đài ở vườn hoa Ba Đình. Sau những phút giây rất nhanh tính toán, ông chọn phương án dựng lễ đài bằng gỗ theo cách đóng đinh (vì thời gian gấp) và bọc lụa xung quanh trên vàng dưới đỏ để tạo dáng mỹ thuật. Nơi dựng lễ đài là bồn cỏ tròn ở giữa vườn hoa. Ông và các cộng sự hoàn thành công trình nổi tiếng này chỉ trong một ngày đêm (trước rạng sáng 2/9). Màu đỏ, vàng của lễ đài với hai bình hương hai bên, cùng màu của cờ đỏ sao vàng trên cột cờ, tất cả nổi lên rực rỡ và sống động. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ lâm thời đứng trên lễ đài ra mắt quốc dân và đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1951, ông đi học tại Liên Xô (cũ). Không đóng khung trong kiến thức đã có, ông nghiên cứu kỹ càng hơn cách xây dựng bố cục đại cảnh của hội họa Liên Xô. Những bức vẽ bằng bút chì thời kỳ này cho thấy công phu học tập, còn các bức sơn dầu bộc lộ nét tài hoa, bút pháp phóng khoáng của ông. Các tác phẩm của ông toát lên cá tính nghệ thuật nghiêm túc, chỉn chu, bay bổng và lãng mạn. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - viết trong cuốn Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh: "... Độc hành trong nhịp đôi viên mãn Kiến Trúc và Hội họa, ông xuất thần trong nhạc cảm tôn thiêng của tạo hóa khi hòa điệu Đông - Tây, cái gạch nối bình dị của hồn Việt nghìn năm chẳng cũ. Nét gọi nét tinh tế, sang nhã, hàn lâm mà vẫn thân gần cùng đĩa màu chân quê của căn cốt Việt...".
Anh Chi