![]() |
Mùa thu. |
Triển lãm không dừng lại ở mục đích trưng bày tác phẩm thông thường, đó là sự tổng kết cuộc đời người nghệ sĩ với quãng thời gian 40 năm không hề ngắn ngủi. Bằng cách kết hợp hội hoạ với mỹ thuật sân khấu, hoạ sĩ Doãn Châu đã tạo ra cho những tác phẩm một phong cách riêng, độc đáo.
![]() |
Mùa hạ. |
Sự kết hợp giữa kiến thức hội hoạ với kiến thức mỹ thuật tạo cho người xem một cảm giác mơ màng khi đối diện với tác phẩm. Những đường nét mềm mại của nghệ thuật hội hoạ, những hình khối, mảng màu chắc chắn của nghệ thuật tạo hình sân khấu chắc khoẻ đan xen, hoà quyện ẩn chứa bao nỗi niềm. Chiều hồ Tây mang đến sự lãng đãng và kéo dài sự tưởng tượng trong chiều sâu tác phẩm.Ý nghĩ được bật mạnh, gợi ra những suy tư sâu sắc về một cuộc sống tươi đẹp. Đằng sau mỗi tác phẩm hội hoạ, người xem như nhìn thấy niềm vui, nỗi buồn của người nghệ sĩ. Đó là một thế giới đầy màu sắc, tràn ngập tư duy nhưng rất đỗi gần gũi, dễ hiểu.
![]() |
Mùa đông. |
Nổi bật trong cuộc triển lãm lần này là bộ Tứ bình Xuân, Hạ, Thu, Đông. Khác hẳn với tượng trưng truyền thống, hoa sen mùa hạ, hoa đào mùa xuân, hoa cúc mùa thu..., tác phẩm Tứ bình của Doãn Châu là bước đột phá trong cách thể hiện. Có thể coi đây là bộ Tứ bình đầu tiên kết hợp nghệ thuật sơn dầu phương Tây với ý tưởng thiên nhiên phương Đông. Hình tròn là biểu tượng của mặt trời. Hình vuông là biểu tượng của trái đất. Vị trí lồng trong nhau của Trời và Đất là biểu hiện của ấm no, hoà hợp. Bốn bức tranh là sự kết hợp linh hoạt, tượng trưng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông qua những gam màu trầm. Bốn mùa với sự xoay chuyển đất trời không thể xa rời nhau, kinh qua thời gian như đời sống thăng trầm của con người.
![]() |
Mùa xuân. |
Khó tìm thấy màu đen trong tranh của Doãn Châu. Giống như quan điểm sống, gam màu ông dùng trong mỗi bức hoạ đều mang đến cảm giác ấm nóng, vui tươi. Ngay cả quan điểm về màu sắc của ông cũng lạ so với những hoạ sĩ khác. Màu đỏ thường gắn liền với mùa hạ, nhưng với ông, màu đỏ lại biểu tượng cho mùa xuân. Màu đỏ là màu của hoa đào, của bao lì xì ngày Tết. Sự lạc quan chiếm lĩnh hoàn toàn những tác phẩm của người hoạ sĩ tài hoa này. Bởi với ông, "buồn chính là tự chuốc khổ vào thân".
Bảo Lưu