Không gian được đặt tại một tòa nhà trung tâm thành phố Huế, chuyên trưng bày các tác phẩm digital art (nghệ thuật ứng dụng công nghệ số). Khu vực được chia thành năm gian phòng, tương ứng từng chủ đề, hình thức thể hiện như sắp đặt, nhập vai.
Ở phòng đầu, khán giả chiêm ngưỡng các bức họa 3D, do tác giả Nguyễn Ngọc Quý thực hiện với chủ đề Đâm chồi nảy lộc. Những bông hoa như cúc, sen mang hình dáng cách điệu, được số hóa và trình chiếu trên màn hình LCD. Họa sĩ cho biết sử dụng chất liệu gốm, trúc chỉ, lụa khi tạo hình để gửi gắm ý tưởng: Hãy chấp nhận, tận hưởng sự khác biệt bởi vạn vật đều bình đẳng trong tự nhiên.
Phòng hai giới thiệu Hồng sắc long - phim đồ họa lấy cảm hứng từ kiến trúc Đại nội, được tác giả Jiohan kết hợp nghệ thuật sắp đặt. Phòng ba là nơi rộng nhất của triển lãm - khoảng 500 m2, trình chiếu ba tác phẩm với kỹ thuật mapping ánh sáng. Các đoạn phim đồ họa lấy ý tưởng từ cuộc sống, con người, thắng cảnh Huế.
Chẳng hạn, với Mọi miền tiềm thức (tác giả Cường Nguyễn), người xem được chìm đắm trong hình ảnh những khu chợ, lăng tẩm, ngõ hẻm, gánh hàng rong giữa hàng nghìn chấm sáng. Như một dòng chảy (Lê Minh Viễn - Travis Cohantz) lấy cảm hứng từ sông Hương với hình ảnh vạn con thuyền trôi lững lờ. Bước vào không gian này, người xem được trải nghiệm nhập vai (immersive experience), trở thành một phần của tác phẩm.
Phòng bốn - Phản chiếu (tác giả MxC) - chọn hình ảnh thiên thiên của vịnh Lăng Cô. Tác giả tái hiện khoảnh khắc bầu trời, mặt nước trong ánh hoàng hôn khắp gian phòng. Với hệ thống cảm biến, khán giả có thể tương tác bằng cách đặt tay vào vách tường, tác phẩm sẽ thay đổi sau từng cú chạm, như cảnh hàng nghìn con bướm bay ra từ tán lá. Phòng cuối - Ẩm thực trừu tượng (Cường Nguyễn) - sử dụng đồ họa 3D để giới thiệu các món Huế, từ đồ ăn dân dã đến cực phẩm tiến vua.
Dương Đỗ - nhà sáng lập - cho biết chọn tên Sốnglab vì muốn nơi đây như phòng thử nghiệm về phong cách sống, thưởng lãm nghệ thuật ("lab" viết tắt của "laboratory"). Được ấp ủ suốt 5 năm, dự án bắt đầu thi công từ đầu năm. Êkíp đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng không gian, hợp tác với đơn vị cung cấp hệ thống trình chiếu ánh sáng cho triển lãm Van Gogh ở Marina Bay (Singapore). Thế giới vốn có nhiều không gian tương tự, như Future World tại Singapore, Teamlab Borderless tại Tokyo (Nhật), L'Atelier des Lumières tại Paris (Pháp).
Theo Dương Đỗ, một trong những khâu khó nhất là bảo dưỡng, vận hành máy móc, do êkíp phải sử dụng máy chiếu có khẩu độ, công suất, độ phân giải phù hợp. Việc trình chiếu liên tục đòi hỏi hệ thống máy cần không gian riêng để làm mát, bảo trì, với một đội ngũ túc trực liên tục. Khu vực cũng cần hệ thống bảo mật cao để tránh trường hợp bị hack.
Nhà sáng lập đặt tiêu chí các sáng tác đầu tiên phải lấy cảm hứng từ Huế. Khi vào triển lãm, người xem được khuyến khích tự thưởng thức, tưởng tượng theo cảm nhận riêng. Nghệ sĩ thị giác Tùng Monkey giữ vai trò giám tuyển, thẩm định trước khi tác phẩm được trình chiếu.
Tham quan triển lãm, tiến sĩ Phan Lê Chung (Đại học Nghệ thuật Huế) đánh giá không gian mang màu sắc hiện đại khi ứng dụng công nghệ trong các tác phẩm digital art, song vẫn đậm tinh thần Huế. Ông kỳ vọng nơi đây là điểm đến thường xuyên của nghệ sĩ cả nước. Sau khi không gian mở cửa ngày 20/10, trường dự kiến có nhiều chương trình hợp tác với đơn vị tổ chức, như giao lưu văn hóa quốc tế, workshop chuyên đề hoặc talk show nghệ thuật đương đại.
Mai Nhật