Đạo diễn Đặng Nhật Minh, 84 tuổi, là một trong những khách đến tham quan triển lãm Kỷ vật thời thanh xuân tại Trung tâm Lưu trữ III, sáng 27/7. Tuổi cao, không thể đứng lâu, ông nhờ người kê cho chiếc ghế trước khu trưng bày hồ sơ gốc của một số cán bộ đi B, trong đó có cha ông - giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Bộ hồ sơ gồm: giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, phiếu báo đã tiếp nhận giấy giới thiệu, phiếu chuyển đảng tịch của đảng viên, sơ lược lý lịch và tự thuật...
Những hình ảnh khiến đạo diễn nhớ về bố - cán bộ đi B ở tuổi 57. Trước khi vào chiến trường, bố gửi cho ông một lá thư, từ nơi tập trung ở Hòa Bình, trong đó viết: "Thời gian bồi dưỡng ở chỗ tập trung ba luôn luôn mạnh khỏe. Mang ba lô, leo dốc được như mọi người. Ba đem theo thừa một số tiền, ba mua một cái đồng hồ đeo tay gửi về để tặng Nhật Minh.
Chú ý: Ngày đi của ba phải giữ rất bí mật trong thời gian hai tháng. Sau Tết, hôm nào rỗi các con đến Viện, hỏi chìa khóa ở đồng chí Hùng để vào phòng ba sắp xếp áo quần cho gọn. Có mấy chiếc tất chưa giặt, con giặt hộ. Trong phòng vẫn để đồ đạc như lúc ba còn ở nhà".
Theo đạo diễn, bố ông phải trải qua thời gian tập huấn như mọi cán bộ khác, đeo balo gạch nặng 30 kg để tập hành quân. Sau này, mỗi người nhận được balo đựng quân tư trang như chăn, màn, lương thực, bi đông đựng nước... vào chiến trường. Ông Đặng Văn Ngữ hy sinh trong trận bom B52 ở chiến trường Trị Thiên ngày 1/4/1967. 20 năm sau, một người tiều phu phát hiện mộ ông như một lính vô danh. Trong gói vải dù bọc di hài, có tấm biển nhôm khắc chữ "Đặng Văn Ngữ. 1-4-1967". Hài cốt ông được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, khu mộ liệt sĩ chưa rõ tung tích. 5 năm sau, anh em đạo diễn mới tìm thấy mộ ông, đưa về chôn cất trong nghĩa trang Đặng tộc trên núi Ngự Bình.
"Hôm nay rất cảm động khi xem lại những hồ sơ, kỷ vật của bố. Mẹ mất ở Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, bố mất trong kháng chiến chống Mỹ, với tôi, ngày nào cũng là 27/7, nỗi nhớ thương không bao giờ nguôi", ông nói.
Ngay cạnh đó là hộp trưng bày hồ sơ của Đặng Thùy Trâm - nguyên mẫu trong phim Đừng đốt do Đặng Nhật Minh đạo diễn. Ông cho biết khi làm phim không nghiên cứu những tư liệu này mà tìm hiểu tài liệu từ phía gia đình, đi thực tế tại bệnh xá, hầm trú ẩn ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) - nơi Đặng Thùy Trâm làm việc và hy sinh. Thành công của phim bắt nguồn từ sợi dây liên kết đặc biệt giữa ông và nữ bác sĩ trẻ. Đặng Thùy Trâm từng là học trò của giáo sư Đặng Văn Ngữ và cả hai đều hy sinh ngoài chiến trường. Đặng Nhật Minh tặng trung tâm lưu trữ một đĩa phim Đừng đốt để phát trong khuôn khổ sự kiện.
Triển lãm còn trưng bày kỷ vật của nhóm văn nghệ sĩ, thuộc tổng số hơn 72.000 hồ sơ cán bộ đi B từ các tỉnh, thành trong cả nước. Không gian sự kiện chia thành ba phần: Nhiệm vụ đặc biệt là hồ sơ gốc của một số cán bộ đi B; Những kỷ vật biết nói là tư trang, giấy khen, kỷ vật, vàng... và Khi cuộc chiến đi qua là những khoảnh khắc, hoạt động tưởng nhớ về các thương binh, liệt sĩ.
Không gian triển lãm 'Kỷ vật thời thanh xuân'
Hồ sơ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu gồm bản khai lý lịch xin vào Đảng, giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, phiếu báo đã tiếp nhận giấy giới thiệu, giấy giới thiệu sinh hoạt công đoàn, quyết định điều động và bổ nhiệm nhạc sĩ làm phó chủ nhiệm Nhà xuất bản Âm nhạc, lý lịch cán bộ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Huỳnh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này, ông viết một số ca khúc như: Hành khúc ngày và đêm, Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam...
Ngoài các giấy tờ tùy thân, hồ sơ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn có chứng nhận đã trả lương, phiếu chuyển đi... Thông tin tại triển lãm viết: "Với vai trò tác giả và biên kịch hai tác phẩm nổi tiếng là truyện ngắn Chiếc lược ngà và phim điện ảnh Cánh đồng hoang, ít ai biết rằng ông là một cán bộ miền Nam tập kết rồi đi B. Ông có những đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000".
Trong khi đó hồ sơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có học bạ trường phổ thông cấp hai, ba, bằng tốt nghiệp đại học, thẻ đoàn viên, lý lịch đoàn viên. Tất cả ghi tên Nguyễn Khoa Điềm, bí danh Hải Phong.
Ông Đỗ Trọng Văn - nhà giáo từng đi B - vui và xúc động khi được xem lại những hồ sơ, kỷ vật và hình ảnh thời chiến tranh. Sự kiện còn giúp ông có cơ hội gặp gỡ một số đồng đội trên chiến trường năm xưa. "Mỗi kỷ vật như một thước phim đưa tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm năm xưa, một thời trai trẻ. Tôi xúc động vì sự đóng góp, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp thống nhất đất nước đã được nhà nước trân trọng, ghi nhớ, qua việc lưu giữ các kỷ vật rất cẩn thận", ông viết trong sổ lưu niệm.
Bà Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III - cho biết triển lãm nhằm giới thiệu rộng rãi khối hồ sơ, kỷ vật để các cán bộ đi B và người thân biết. Ngoài ra, trung tâm cũng muốn tiếp nhận những kỷ vật chiến trường, sau chiến tranh để quản lý, lưu trữ.
"Các cuộc trưng bày, triển lãm nhằm ghi nhớ công ơn những lớp người huyền thoại làm nên hòa bình, độc lập cho dân tộc và tiếp thêm ngọn lửa yêu nước cho các thế hệ nhân dân", bà Hoa nói.
Ngày 14/6/1955, Chính phủ thành lập Ban Quan hệ Bắc - Nam. Ngày 26/7/1960, Ban Quan hệ Bắc - Nam được đổi thành Ủy ban Thống nhất, là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác đấu tranh nhằm thống nhất nước nhà theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, lên kế hoạch điều động cán bộ chi viện sức người cho miền Nam. Hàng vạn người cả Nam và Bắc gửi đơn tình nguyện lên đường đi B.
Lộ trình vào miền Nam được giữ bí mật. Người tình nguyện đi B lặng lẽ rời đơn vị công tác, đến những khu vực tập kết ở Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình. Đại diện Ban Thống nhất Trung ương sẽ làm việc với từng người. Tất cả tài liệu thuộc về tổ chức, nhân sự như lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ, huân huy chương, ảnh, nhật ký, thư từ, sổ tiết kiệm... đều được lưu giữ đợi ngày họ trở về.
Năm 1976, khi Ủy ban Thống nhất Chính phủ giải thể, hồ sơ, kỷ vật được chuyển về Ban Tổ chức Trung ương. Tháng 8/2021, toàn bộ hồ sơ chuyển về Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Hiểu Nhân