Thứ bảy, 19/10/2024
Thứ sáu, 21/1/2022, 16:40 (GMT+7)

Triển lãm 'Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam'

Hà Nội30 hiện vật cùng tài liệu, hình ảnh về hổ trong mỹ thuật cổ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam.

Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Khu di tích Lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ và một số nhà sưu tập tư nhân tổ chức, mở cửa miễn phí từ ngày 18/1 đến 31/8. Hình tượng hổ được thể hiện đa dạng trên các chất liệu như đồ đá, đồ đồng, gốm, giấy, vải… từ thời văn hóa Đông Sơn đến thời Nguyễn.

Tượng hổ đá ở lăng mộ Trần Thủ Độ, có niên đại khoảng năm 1264. Phần giới thiệu tại triển lãm ghi: "Tượng hổ trong tư thế nghỉ ngơi, tự nhiên nhưng đầu ngẩng cao quan sát, sẵn sàng chồm dậy. Các chân gấp lại đưa về sau, đuôi dài tạo hình với khối vuông khỏe khoắn. Thân hình được thể hiện bằng mảng khối căng mạnh mẽ, bố cục chặt chẽ, vững chãi, tạo khối đơn giản nhưng sinh động, lột tả được vẻ dũng mãnh".

Những bức tượng hổ khai quật tại lăng mộ thời Lê - Trịnh (thế kỷ 17-18). Thông thường tượng được đặt ở ngoài cùng với ý nghĩa linh thú bảo vệ lăng, cách xa các cặp tượng voi, ngựa, quan hầu khác trong lăng mộ.

Tượng hổ gốm Bát Tràng, niên hiệu Cảnh Hưng 1740-1786. Hổ trong đình làng thường không phải là tác phẩm độc lập mà tham gia vào các hoạt cảnh sinh động.

Hình hổ xuất hiện trên cả hai mặt của qua đồng - một loại binh khí thời thượng cổ hình dạng lưỡi ngang, mũi nhọn có thể dùng đâm móc - cách ngày nay 2000-2500 năm. Hổ có chấm trên thân, nhấn mạnh giới tính đực. Thân qua còn có hai hình giao long (cá sấu).

Trang trí hình hổ đang đuổi bắt ngựa trên lưng có cắm cờ hiệu, trên thạp gốm hoa nâu thế kỷ 13-14.

Gạch trang trí hình hổ, sóng nước trong điêu khắc đình làng thế kỷ 13-14 (trên) và gạch trang trí hình hổ thế kỷ 16 (dưới).

Hình tượng hổ trên gốm Chu Đậu, Hải Dương thế kỷ 15.

Bộ ngọc tượng 12 con giáp (Thập nhị chỉ) trong hoàng cung triều Nguyễn, thế kỷ 18-19, hiện tại bộ thiếu con Tuất.

Các tranh hổ và bức ngũ hổ (phải) trong tranh dân gian Hàng Trống do nghệ nhân Lê Đình Nghiêm thực hiện.

Vải thêu hình hổ, đầu thế kỷ 20.

Theo ban tổ chức, cùng diễn trình lịch sử, văn hóa dân tộc, hình tượng hổ có nhiều thay đổi với ý nghĩa tương ứng về tâm linh, tôn giáo, biểu tượng vương quyền hay gắn với đời sống sinh hoạt dân gian. Theo dòng chảy văn hóa, hình tượng hổ đồng hành và đóng góp nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Giang Huy