Viện Goethe Hà Nội và phòng tranh Art Vietnam Gallery vừa phối hợp thực hiện triển lãm Cái nhìn của người phụ nữ. Bà Suzanne Lecht - giám đốc Art Vietnam Gallery - được mời làm giám tuyển cho chương trình. Bà chia sẻ: "Triển lãm muốn tạo ra không gian để chúc mừng và khám phá cái tinh túy của tinh thần phái đẹp. Với triển lãm này phụ nữ được tôn vinh như chính bản thân họ bằng những gì họ làm và cách họ nhìn thế giới".
Một thành viên khác trong nhóm tổ chức cũng bày tỏ: "Nghệ sĩ nữ vốn hoạt động tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng cho đến nay nam giới thường nổi bật hơn. Bởi vậy chúng tôi đã mời 8 phụ nữ, cũng là những nghệ sĩ có tên trong nền nghệ thuật đương đại Việt Nam, tới góp mặt trong triển lãm".
Tám nghệ sĩ thực hành nhiều loại hình, phương pháp nghệ thuật khác nhau tạo ra sự đa dạng cho tác phẩm trưng bày ở triển lãm. Họa sĩ Vũ Kim Thư mang tới Phong cảnh bồng bềnh trôi, tác phẩm chiếc đèn đứng bằng mica trong và giấy washi Nhật. Với những nét vẽ phức tạp và tinh tế, Kim Thư họa lại bản đồ cảnh quan của những mái ngói, những ngôi nhà truyền thống lên một chiếc đèn lồng giấy. Tác phẩm gợi hoài niệm về những mái ngói cổ của Hà Nội.
Đinh Thị Thắm Poong nổi tiếng với những tác phẩm sáng tác trên giấy dó. Chị mang tới bất ngờ khi trưng bày bộ 3 tác phẩm bằng sơn mài. Tranh của chị làm nổi bật sự chồng chéo của những nhân vật như ẩn dụ bằng hình ảnh thông qua kỹ thuật che phủ của sơn mài. Tác phẩm mới thuộc sở trường sáng tác của Phi Phi Oanh mang tên Áo giáp, là một hình bán thân bằng sơn mài kết hợp mặt nạ và mũ cối. Bằng tác phẩm này, Phi Phi Oanh thể hiện hình hài chiếc áo mà chúng ta mặc để che giấu cái tôi cá nhân.
Tác phẩm Bên trong chúng ta của Nguyễn Thị Châu Giang là một tranh lụa đầy sáng tạo. Nữ họa sĩ vẽ trên hai mặt của chất liệu, sử dụng hình ảnh người phụ nữ và con rồng, thể hiện những đối nghịch, ẩn dụ về sự đấu tranh để duy trì cân bằng giữa hai thái cực nam và nữ.
Maritta Nurmi là một nghệ sĩ Phần Lan nhưng sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam hơn 20 năm. Tác phẩm Hãy giữ những giấc mơ như đĩa sứ trong tay bạn của bà là một chiếc bình lớn, trên đó vẽ những họa tiết cùng cảm hứng với các họa tiết xuất hiện tại triển lãm ANIMA trước đó. Thông qua tác phẩm, Maritta muốn đưa ra ẩn dụ, cũng giống chiếc bình làm từ đất sét, người nghệ sĩ phải trải qua thử lửa, cũng mạnh mẽ và dễ vỡ, buồn chán và vui vẻ với những khát vọng của mình.
Ẩn dụ là một tác phẩm sắp đặt của Nguyễn Hữu Trâm Kha. Chị sử dụng hàng trăm tấm phim chụp X quang, đan ghép lại với nhau để tạo ra một tấm chăn ký ức. Cũng là một sắp đặt, nhưng Nguyễn Thị Chinh Lê mang tới 12 tượng đồng có tên Những thực khách. Những bức tượng này vừa mạnh mẽ, vừa tinh tế, nhắc người xem về thời gian đã qua, đồng thời gợi mở về tương lai.
Là người sáng lập ra trung tâm độc lập về phim tài liệu và video art, Nguyễn Trinh Thi mang tới tác phẩm từ "ngôi nhà" của mình. Video Hãy ca tụng những phụ nữ nổi tiếng khám phá những khía cạnh khác nhau trong lao động ở Việt Nam. Phim không tụng ca những hình mẫu phụ nữ nổi tiếng, mà nói về từng cá nhân phụ nữ trong mỗi một công việc của họ.
Bà Natalia Kraevskaia - nhà nghiên cứu nghệ thuật, giám tuyển, người sáng lập Salon Natasha - nhận xét về triển lãm: "Mặc dù các tác phẩm nghệ thuật đều đa dạng về chủ đề, mỹ thuật, tôi đều thấy có một sự nữ tính trong đó. Các tác phẩm đều hoàn toàn xa lạ với những tư tưởng gia trưởng về sự chinh phục, sở hữu quyền lực. Thay vào đó, tác phẩm trong triển lãm này đề cập nhiều hơn đến sự định vị bản thân, đến sự chuyển tiếp của ký ức, những chiêm nghiệm và đến hành trình tìm kiếm cái thực chất. Cái nhìn của người phụ nữ dường như đi xuyên qua bề mặt để đến với chiều sâu của thực tiễn".
Cái nhìn của người phụ nữ khai mạc lúc 18h ngày 7/3, trưng bày tác phẩm tới hết ngày 23/3 tại Viện Goethe Hà Nội.
Lam Thu
Ảnh: Viện Goethe, Art Vietnam Gallery