Doanh nghiệp tổ chức sự kiện này là ClassIn - top 50 công ty công nghệ giáo dục (edtech) hàng đầu thế giới do GSV bình chọn năm 2020. Các nhà giáo dục, đại diện doanh nghiệp edtech... có thể tham gia trực tiếp vào lúc 8h - 12h tại Hotel Nikko Saigon (TP HCM).
Đại diện của ClassIn cho biết, edtech có nhiều cơ hội mới trong giai đoạn "hậu Covid-19". Công nghệ giáo dục cung cấp giải pháp cho nhiều thách thức trong lĩnh vực giáo dục. Dù hình thức giảng dạy truyền thống đã trở lại, các giải pháp công nghệ giáo dục vẫn tiếp tục phát triển bởi lĩnh vực này hỗ trợ giảng dạy từ xa và mang lại nhiều lợi ích như cá nhân hóa học tập, tương tác tốt và tiếp cận linh hoạt hơn.
"Các công nghệ giáo dục vẫn có thể sử dụng như một công cụ bổ trợ trong giáo dục truyền thống, giúp cải thiện quá trình giảng dạy và học tập", đại diện ClassIn nhấn mạnh.
Trong đó, mô hình OMO (Online-Merge-Offline) đã góp phần vào giải quyết bài toán bất bình đẳng trong giáo dục. Việc kết hợp hai hình thức giảng dạy sẽ góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt giáo viên chất lượng ở vùng sâu vùng xa. Thông qua lớp học OMO, học sinh ở những khu vực khó khăn có thể học tập với các giáo viên giỏi ở thành phố lớn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, thị trường edtech cũng gặp những trở ngại nhất định. Ví dụ, để tận dụng công nghệ giáo dục, giáo viên và nhà quản lý giáo dục cần được đào tạo và hỗ trợ. Trong khi đó, việc thay đổi và chấp nhận các công nghệ mới có thể gặp phải rào cản do tâm lý ngại đổi mới hoặc thiếu nguồn lực.
Vì vậy, Classin mở triển lãm Công nghệ Giáo dục 2023 nhằm cơ hội để đánh giá tình hình sử dụng edtech và nhận diện những cơ hội mới. Việc áp dụng công nghệ trong giáo dục không chỉ là một xu hướng mà còn là giai đoạn phát triển tiếp theo, mang tính dài hạn và bền vững.
"Thị trường này đang phát triển sôi nổi nhưng cần có nhiều giải pháp tổng thể để đáp ứng nhu cầu đa dạng trong giảng dạy", bà Trương Lê Quỳnh Tương - Giám đốc ClassIn tại khu vực Đông Nam Á chia sẻ.
Những "lời giải" này sẽ được giải đáp kỹ hơn bởi các diễn giả của triển lãm, bao gồm: PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, ông Phạm Giang Linh - Giám đốc điều hành tại Galaxy Education; ông Tú Phạm - nhà sáng lập chuỗi trung tâm tiếng Anh IPP IELTS và nền tảng luyện thi ngoại ngữ Prep; bà Đậu Thúy Hà - nhà sáng lập nền tảng edtech OMT KidsOnline; bà Trương Lê Quỳnh Tương 0 Giám đốc ClassIn tại khu vực Đông Nam Á và ông Nguyễn Quang Vũ - Giám đốc điều hành ClassIn tại Việt Nam.
Chương trình còn có sự tham dự của ông Sudeep Laad - Giám đốc điều hành tại L.E.K Consulting và thành viên Global Education Practice với hơn 10 năm kinh nghiệm trong mảng giáo dục cho riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các chuyên gia sẽ đưa ra góc nhìn toàn cảnh về thị trường và xu hướng công nghệ giáo dục tại Việt Nam, đồng thời, gợi ý về các hoạt động của lĩnh vực ở khu vực và trên thế giới. "Người tham gia có thể tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng bền vững dựa vào những công nghệ mới trong giáo dục, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thị trường nhiều biến động hiện nay", đại diện ban tổ chức khẳng định.
Diễn giả cũng chia sẻ góc nhìn đa chiều về ứng dụng công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI), giáo dục kết hợp giữa online và offline (OMO) và những đột phá áp dụng trong trường học.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và những nhà giáo dục có thể tham dự các buổi thảo luận sâu về mô hình giáo dục kết hợp trực tuyến - truyền thống và nhiều chủ đề khác như cách đưa công nghệ vào mô hình trường học, trung tâm truyền thống; cơ hội - thách thức khi áp dụng AI vào giáo dục sau khi ChatGPT xuất hiện....
Ngoài ra, các chuyên gia sẽ cung cấp, phân tích chiến lược phát triển công nghệ giáo dục. Đồng thời, các đơn vị edtech nổi tiếng thế giới cũng giới thiệu những mô hình và giải pháp hiện đại.
Trọng Nhân