Triển lãm có tên Mystery of Human body (Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người), mở cửa tại Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1, TP HCM) từ ngày 21/6. Đơn vị tổ chức là một công ty quảng bá, phát triển các chương trình văn hóa đến từ Hàn Quốc.
Khu triển lãm có tám phòng, theo tám chủ đề: hệ cơ, hệ xương, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ tuần hoàn sơ sinh (các phôi thai, thai nhi). Bước vào trong khu trưng bày, người xem sẽ lần lượt được giới thiệu từng mẫu vật đặc trưng trên cơ thể người, kèm theo các lý giải về y tế, sức khỏe từ các hướng dẫn viên. Ở lầu trên, khán giả có thể tham quan các gian phòng ứng dụng công nghệ thực tế ảo, cho phép hình dung về cơ thể người thông qua đồ họa 3D. Ở gian cuối, khán giả có thể viết các điều ước về cuộc sống, con người, lẽ sinh - tử ở đời... và treo lên hàng rào sau quá trình tham quan.
"Các mẫu vật sẽ giúp người tham quan nhận thức được tác hại do bệnh tật các chất độc hại đến từ bia, rượu, thuốc lá... và thói quen sinh hoạt không lành mạnh đến cơ thể con người. Ngược lại, những nhân vật vũ công, người chơi thể thao... sẽ minh họa một cuộc sống khỏe mạnh của cơ thể khi có sự hỗ trợ của lối sống tích cực và hạnh phúc", ban tổ chức cho biết.
Một mẫu vật được trưng bày ở gian đầu của triển lãm. |
Những người thực hiện khẳng định 131 mẫu vật trưng bày tại triển lãm đều được lấy từ cơ thể người thật, sau đó áp dụng kỹ thuật nhựa hóa để tạo thành mô hình trưng bày. Xuất xứ của các mẫu vật này cũng như thông tin người hiến tặng là điều được bảo mật.
Quá trình nhựa hóa các mẫu vật diễn ra trong suốt một năm, bằng cách dùng nhiệt làm cứng mẫu, hút chân không, rút nước... Theo tài liệu cung cấp cho khán giả tại triển lãm, sau khi thực hiện quy trình nhựa hóa, các mẫu vật có thể bảo tồn hàng trăm năm ở nhiệt độ lý tưởng (27-30 độ C). Những thớ cơ, mảnh xương... qua quá trình nhựa hóa vẫn giữ được màu sắc. Nhóm tác giả bài trí mẫu vật ở các tư thế khác nhau, giúp người xem tìm hiểu về tầm quan trọng của mỗi bộ phận. Chẳng hạn, mẫu thuộc hệ cơ được dựng trong tư thế chơi thể thao, mẫu hệ xương được tạo dáng đang đi xe đạp...
Một mẫu vật được tạo dáng theo tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Hy Lạp - "Người ném đĩa" (The Discobolus). |
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM cho biết đã cấp giấy phép cho triển lãm Mystery of Human body theo đúng quy trình. Sau vài ngày mở cửa, hàng nghìn khán giả đến mua vé tham quan. Riêng ngày khai mạc, khu trưng bày đón hơn 300 người. Êkíp khuyến cáo khán giả tầm tám tuổi trở lên mới nên mua vé. "Nhiều người mua vé nhưng vừa vào đã sợ khi thấy các mẫu vật bị cắt lát, mở to mắt... nên đành đứng ngoài", người đại diện kể.
Sáng 27/6, anh Quốc Bình (nhà ở quận Bình Tân) dẫn con trai tám tuổi đến triển lãm. Khán giả này kể mấy hôm trước, thấy trên mạng xã hội xôn xao về triển lãm cơ thể người được nhựa hóa nên tranh thủ con đang nghỉ hè dẫn bé đến xem. Khán giả 42 tuổi bất ngờ vì các mẫu vật rất sống động, được trình bày dễ theo dõi. "Con trai tôi thích gian phòng khi bước vào, màn hình sẽ hiện lên mô phỏng cơ thể của khách tham quan, từ cơ, xương đến nội tạng", anh chia sẻ. Tuy nhiên, anh Bình nói một số mẫu vật nên có bảng cảnh báo để khách chuẩn bị tâm lý khi xem, ví dụ mẫu một thai phụ mang bầu năm tháng.
Triển lãm dự kiến kéo dài tới ngày 31/12. Theo ban tổ chức, kinh phí thu được dùng để tặng một quỹ giúp trẻ bị hở môi, hở hàm ếch.
>> Khán giả xem triển lãm cơ thể người lần đầu tổ chức ở TP HCM
Plastination (bảo tồn tử thi bằng kỹ thuật plastic hóa) do bác sĩ - nhà giải phẫu học người Đức Gunther Von Hagens sáng chế. Hagens sinh ra tại Ba Lan năm 1945. Ông mắc hemophilia (bệnh rối loạn đông máu) từ nhỏ. Nhập viện khi tuổi còn trẻ, ông dần bị lôi cuốn với công việc của bác sĩ, y tá. Lớn lên, khi học bác sĩ nội trú ở bệnh viện Y khoa Lubeck, Tây Đức, ông phát triển kỹ thuật xử lý tử thi, dùng polymer để bảo tồn xác người. Mục đích ban đầu là để bảo tồn nguồn cung cấp cơ quan nội tạng cho các trường y khoa, vì lúc này rất khó để giữ lại các xác chết cho mục đích học tập dài lâu.
Từ đó, nhiều triển lãm cơ thể người thật được mở ra trên khắp thế giới như The Exhibition and Our Body: The Universe Within (Triển lãm và thân thể người: Vũ trụ bên trong) tại Mỹ, Bodies Revealed (Tiết lộ thân thể người) tại Anh, Body Exploration (Khám phá thân thể người) tại Trung Quốc, Mysteries of the Human Body (Bí ẩn thân thể người) tại Hàn Quốc... Những triển lãm này từng gây ra tranh cãi ở nhiều nơi trên thế giới. Không ít người đặt câu hỏi về xuất xứ của các cơ thể được dùng để nhựa hóa và việc nên hay không nên đưa cơ thể người thật ra trưng bày.
Mai Nhật