Mystery of Human body (Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người) là triển lãm đầu tiên về cơ thể người được tổ chức ở TP HCM, diễn ra từ ngày 21/6 và dự kiến kéo dài tới 31/12. Mô hình trưng bày trong triển lãm làm từ tử thi, được bảo tồn nhờ công nghệ nhựa hóa do nhà giải phẫu học người Đức Gunther Von Hagens sáng chế.
Triển lãm mô hình làm từ thi thể người phát triển từ đầu thập niên 2000. Đến năm 2003, công ty sản xuất của Gunther Von Hagens (đặt tại Đại Liên, Trung Quốc) tổ chức triển lãm tại 20 thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Austria, Bỉ, Thụy Sĩ, Đức và Anh, mỗi thành phố đều gây tranh luận lớn. Lượng khán giả lúc đó vào khoảng 13 triệu người, riêng Đức thu hút 4 triệu người, Hàn Quốc góp 3 triệu người. Theo Tân Hoa Xã, bình quân mỗi ngày có một khán giả ngất xỉu vì không sẵn sàng tâm lý xem triển lãm. Trước tin đồn tiến sĩ Hagens kiếm được 800 triệu USD nhờ tổ chức triển lãm, ông nói: "Tôi mong mình kiếm được nhiều tiền như thế, càng nhiều càng tốt".
* Bên trong một triển lãm cơ thể người ở Nhật Bản
Tiến sĩ Hagens khẳng định mô hình triển lãm đều được thực hiện tại công ty của ông, được vận chuyển tới các thành phố trên thế giới phục vụ khán giả. Sau công ty của Hagens, ở Trung Quốc mọc lên nhiều công ty gia công thi thể sử dụng công nghệ nhựa hóa. "Trung Quốc xuất khẩu ra thế giới, không chỉ có đồ chơi, quần áo hay tivi, mà còn có mô hình thi thể người... Trên thực tế, Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu mô hình thi thể người lớn nhất thế giới", bài viết trên Tân Hoa Xã nhận định.
Không chỉ Đại Liên, các công ty sản xuất đã mọc lên ở hàng loạt thành phố như Quảng Châu, Thượng Hải, Nam Kinh, Thanh Đảo, Thâm Quyến... Đối thủ cạnh tranh với tiến sĩ người Đức là Tùy Hồng Cẩm - vốn là cộng sự của Hagens. Ông Tùy là Chủ nhiệm phòng nghiên cứu giải phẫu học thuộc Đại học Y Đại Liên đồng thời là giám đốc một công ty gia công mô hình thi thể người. Công ty của ông từng hợp tác với đối tác của Mỹ, Canada... tổ chức triển lãm.
Đến nay, triển lãm cơ thể người sử dụng công nghệ nhựa hóa được tổ chức tại hơn 60 thành phố trên khắp thế giới, lượng khán giả vượt con số 60 triệu.
Bên cạnh ý kiến ủng hộ, triển lãm vấp phải sự phản đối gay gắt của đông đảo người dân. Số đông cho rằng các mô hình quá rùng rợn, gây sốc nhưng nhà tổ chức không giới hạn độ tuổi khán giả. Tại một triển lãm ở Đức, khán giả chỉ trích sự kiện mang tính "đồi trụy" vì có mô hình dương vật nhô lên. Lúc bấy giờ, Gunther Von Hagens giải thích: "Điều đó chỉ cho thấy một hiện tượng quá đơn giản trong cuộc sống". Bên cạnh đó, đa số ý kiến thắc mắc các mô hình tử thi đến từ đâu, nếu là thi thể được hiến tặng, trước khi hiến, người đó có đồng ý việc thi thể mình được mang ra trưng bày nhiều nơi.
Năm 2011, trước tranh cãi khi tổ chức triển lãm ở Bắc Kinh, ông Tùy Hồng Cẩm cho biết trên Sina mục đích của sự kiện là trưng bày một cách trực diện, khoa học và chân thực về kết cấu cơ thể người và động vật, giúp khán giả hiểu về nguồn gốc con người, nhận thức rõ hơn về sinh sản, trưởng thành và cái chết. Từ đó, cảm ngộ sự huyền diệu của sinh mệnh và cuộc sống. Ban tổ chức khẳng định các mẫu triển lãm do nhiều bệnh viện quyên tặng. Ông Tùy cho rằng mong mỏi nguyên sơ của việc tổ chức triển lãm là thúc đẩy việc hiến tặng thi thể cho y học. "Sau khi triển lãm, nhiều khán giả tìm đến chúng tôi, nói rằng họ muốn hiến xác để phục vụ nghiên cứu khoa học sau khi qua đời", nhà nghiên cứu nói.
Những năm gần đây, triển lãm vấp phải nhiều rắc rối pháp lý ở các quốc gia trên thế giới, ngay tại những nước sản xuất mô hình thi thể người. Pháp là quốc gia đầu tiên cấm tổ chức loại hình triển lãm này vào năm 2010. Giới chức nước này cho rằng con người cần được tôn trọng ngay cả khi đã chết. Hành động bảo tồn thi thể phục vụ lợi ích thương mại là phi pháp, hơn nữa, ban tổ chức không thể đưa ra được cam kết đồng ý trưng bày thi thể của người hiến xác. Trước khi tòa án ra quyết định, triển lãm diễn ra ở thành phố Lyon và Marseille nước Pháp, thu hút tổng cộng gần 150.000 lượt người xem.
Khi triển lãm ở Mỹ, công ty hợp tác với Tùy Hồng Cẩm là Premier Exhibitions cũng liên tục gặp rắc rối về pháp lý. Họ từng ra thông cáo khẳng định thi thể và lục phủ ngũ tạng sử dụng trong sự kiện đến từ Trung Quốc. Hồi tháng 4/2018, nhiều học giả, nhà hoạt động nhân quyền ở Australia phản đối khi triển lãm này diễn ra ở Sydney. "Trong trường hợp không có sự đồng thuận trước khi chết, đem các bộ phận con người ra triển lãm để phục vụ lợi ích kinh tế là hành động trái pháp luật và đạo đức", Theguardian dẫn lời một học giả phản đối triển lãm này tại Australia.