Triển lãm giới thiệu loạt ảnh chân dung, khoảnh khắc hóa thân vào vai diễn suốt 70 năm làm nghề của nghệ sĩ. Theo đạo diễn Thanh Hiệp - người dàn dựng chương trình, nhiều nhiếp ảnh gia, nhà báo kỳ cựu lưu giữ các bức hình nghệ sĩ Bảy Nam khi bà đóng các tác phẩm kinh điển như: kịch Nhân danh công lý (tác giả Doãn Hoàng Giang - Võ Khắc Nghiêm), Bông hồng cài áo (Hoàng Khâm - Kim Cương), Lá sầu riêng (Kim Cương) - kịch và phim cùng tên... Ban tổ chức dựa vào phần lớn nguồn ảnh từ cố nhiếp ảnh gia Minh Châu - người nhiều năm gắn bó với đoàn kịch Kim Cương.
Chuyện đời, chuyện nghề của cố nghệ sĩ cũng được ôn lại qua lời kể của "kỳ nữ" Kim Cương - con gái bà. Ban tổ chức chọn chủ đề triển lãm là Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam - bức tượng đài người mẹ trên sân khấu. Đạo diễn Thanh Hiệp nói: "Mỗi khi tái dựng các vở kinh điển, không ai diễn vai người mẹ, người bà hay hơn nghệ sĩ Bảy Nam".
Một trong những bức ảnh quý về nghệ sĩ Bảy Nam được trưng bày tại triển lãm là tấm hình tại tiệc sinh nhật lần thứ 90 của bà, có nghệ sĩ Phùng Há tham dự. Kim Cương cho biết: "Tôi xem bức ảnh này như gia bảo, luôn đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà bởi đây là một trong những dịp cuối cùng má tôi và nghệ sĩ Phùng Há đứng chung một khung hình". Năm 2004, nghệ sĩ Bảy Nam mất, nghệ sĩ Phùng Há cũng qua đời vài năm sau đó.
Nghệ sĩ Bảy Nam sinh năm 1913 tại Tiền Giang, là em ruột của cố nghệ sĩ Năm Phỉ. 17 tuổi, bà bắt đầu đi hát. 19 tuổi, bà lập gánh hát Nam Hưng, là nữ bầu gánh đầu tiên trong lịch sử cải lương. Hơn 70 năm đứng trên sân khấu, bà không chỉ là diễn viên mà còn là quản lý, trưởng đoàn, đóng hàng chục phim, kịch... Hai vở thành công nhất của bà là Lá sầu riêng và Bông hồng cài áo. Bà còn là tác giả kịch bản của các vở Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân, Tiêu Anh Phụng, Phấn hậu cung... Cùng với cố nghệ sĩ Phùng Há, bà được xem là vị tổ của cải lương Nam bộ. Năm 2004, bà qua đời vì tuổi già.
Mai Nhật