Thứ bảy, 20/4/2024
Chủ nhật, 4/6/2023, 00:00 (GMT+7)

Triển lãm các phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí

TP HCMHơn 50 tranh phác thảo, ký họa của Nguyễn Gia Trí lần đầu được nhà sưu tập Trương Văn Thuận giới thiệu.

Nhà sưu tập Trương Văn Thuận tổ chức triển lãm để kỷ niệm 30 năm ngày mất của danh họa. Theo ông, trước khi thể hiện kỹ thuật sơn mài, Nguyễn Gia Trí phải thực hiện rất nhiều bản phác thảo, các chi tiết được tính toán kỹ lưỡng cả về ý tưởng, hình họa, màu sắc và bố cục.

"Qua triển lãm, tôi muốn người xem thấy được tính cách tỉ mỉ, sự cẩn trọng trong từng chi tiết của họa sĩ tài ba, từ những tư liệu mà ông chuẩn bị cho quá trình sáng tác", nhà sưu tập nói.

Nổi bật và có kích thước lớn nhất (100x145 cm) là bản phác thảo một phần tác phẩm của danh họa.

Hơn 50 tác phẩm trưng bày chủ yếu là các bản vẽ chân dung con người, phong cảnh và trừu tượng. Một số bức không còn dừng ở phác thảo mà trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh cơ bản như bức Kiều vẽ người phụ nữ đang chơi đàn tì bà.

Bức tranh chủ đề phong cảnh một miền quê cũng gần như hoàn chỉnh. Ông Thuận cho biết các tác phẩm trưng bày đều không thể xác định được năm sáng tác, do tác giả không ghi tên hoặc thời gian lên bản phác thảo.

Bức tranh Trận Bạch Đằng.

Bức phác thảo mang chủ đề trừu tượng của họa sĩ.

Một tác phẩm có cả nét chữ của danh họa trong quá trình sáng tác.

Bức phác thảo hình ảnh con công. Hầu hết tranh được lưu trữ, bảo quản với chất lượng tốt, có chữ ký của Nguyễn Gia Trí.

Hai tác phẩm được đặt tên Sen (góc trái) và Múa trống cơm.

Nguyễn Thị Thủy Nguyên, 23 tuổi, tham quan triển lãm. Thủy Nguyên cho biết: "Xem triển lãm mới thấy sự lao động miệt mài, chăm chỉ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí".

Triển lãm diễn ra đến ngày 8/6, mở cửa tự do, tại số 29A Ngô Thời Nhiệm, quận 3.

Danh họa Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại Hà Tây (nay là Hà Nội), tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936. Ông là họa sĩ nổi tiếng, thuộc bộ tứ trụ của mỹ thuật Việt Nam - Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn.

Ông góp phần đưa sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hội họa hàn lâm phương Tây. Năm 1989, ông được Bộ Văn hóa công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

Quỳnh Trần