Mùa gặt (tranh của Dương Bích Liên). |
So với bạn đồng lứa, Dương Bích Liên vẽ không nhiều. Di sản ông để lại chỉ có 79 bức tranh. Sinh thời, họa hoằn lắm họa sĩ mới bày dăm ba bức trong một vài triển lãm toàn quốc. Ít về lượng, song xét về chất, sáng tác của hoạ sĩ Dương Bích Liên được coi là thế giới nghệ thuật sang trọng, nghiêm túc.
Trong mảng ký họa, đặc biệt ký hoạ chì than, ngay từ thời còn học ở trường Mỹ thuật Đông Dương, Dương Bích Liên đã được thày Tô Ngọc Vân và các bạn đồng môn đánh giá cao. Về sơn mài, tranh của họa sĩ cũng được coi là đạt đến đỉnh cao của sự hài hòa giữa màu sắc, bố cục, tạo hình và chiều sâu tư tưởng.
Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận xét: "Phẩm chất mơ mộng chiếm toàn bộ nghệ thuật của Dương Bích Liên, dù đôi lúc sự mơ mộng ấy được trình bày dưới vẻ khắc nghiệt. Họa sĩ không bám vào một cảnh trí như Bùi Xuân Phái, không trầm kha vào các ý tưởng và số phận như Nguyễn Sáng, mà tinh tế đứng bên ngoài cái mình vẽ và nhìn nó vừa như là một sự kiện hiện hữu có thực, vừa như một chuyện bịa, một cảnh nằm mơ. Với tranh Dương Bích Liên (qua những Cô gái và hoa cúc, Mùa gặt...), có thể thấy họa sĩ luôn sống trong nỗi buồn nhân thế, trong những ám ảnh cô đơn".
Nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải cũng cho biết, kỷ niệm 15 năm ngày mất của Dương Bích Liên, ông và nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn vừa cho ra mắt cuốn sách Dương Bích Liên, trình bày dưới dạng niên biểu "tranh và đời" kèm theo một số bút tích, ảnh tư liệu bằng song ngữ Việt - Anh.
Họa sĩ Dương Bích Liên sinh năm 1924. Ông là một trong những học trò cuối cùng của lò nghệ thuật Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khi nhà trường phải đóng cửa vì chiến tranh năm 1945. Ông từng đoạt giải nhất triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980.
H.H.