Hôm 13/7, chương trình khai mạc tại Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp IDECAF, mở cửa tự do cho khách tham quan. Triển lãm có chủ đề Gặp gỡ sinh thái, thiết kế theo mô hình giáo dục nghệ thuật, lấy sự cộng tác làm trung tâm. Sáu tác giả gồm Nguyễn Hữu Thiện Trường, Hà Huyền Trang, Nguyễn Võ Bảo Hân, Nguyễn Lê Tuấn Kiệt, Đan Trần, Trần Quỳnh Nhi.
Các tác phẩm được chụp ở nhiều địa điểm, như Vĩnh Long, Quy Nhơn, Nha Trang, lẫn Australia, Singapore, thể hiện ký ức cá nhân và sự tưởng tượng. Tác giả tìm cảm hứng từ thiên nhiên, con người, sau đó sắp đặt bối cảnh để truyền tải câu chuyện trong nhiều bức ảnh.
Lớn lên bên vườn nhãn của gia đình ở Vĩnh Long, Nguyễn Hữu Thiện Trường quan tâm đến những nông dân trồng nhãn ở miền quê. Bộ ảnh của tác giả này nói về sự gắn kết giữa con người, khu vườn và dòng sông dưới tác động của áp lực kinh tế và biến đổi khí hậu.
Tại Wollongong (Australia), Hà Huyền Trang bắt gặp nải chuối ở cửa hàng tạp hóa, hoặc đặt trước bàn thờ trong nhà hàng Việt. Từ đó, cô nhớ lại cảm giác thân thuộc của gia đình, cách xa 8.000 km. Hình ảnh nải chuối gợi nhớ về quê hương, đồng thời gợi lên sự xa cách và lạc lõng khi ở nước ngoài.
Trong khi đó, những sự tích, truyền thuyết cảnh quan thiên nhiên vịnh Nha Trang làm chất liệu cho tác phẩm của Nguyễn Võ Bảo Hân. Những tấm ảnh giúp cô giãi bày những kỷ niệm tuổi thơ giúp tạo nên tính cách cô. Tại "thiên đường biển" Quy Nhơn, Nguyễn Lê Tuấn Kiệt ghi chép cuộc sống, thói quen, mối quan hệ lâu đời với biển của cư dân địa phương, song hành cùng viễn cảnh về cuộc sống hiện đại.
Không chỉ để làm đẹp, hoa còn có ý nghĩa tâm linh, dùng để viếng thăm. Xuất phát từ sự mất mát, Đan Trần ghi lại hình thức bày tỏ niềm thương nhớ bằng hoa cúng trong không gian riêng tư và công cộng tại TP HCM và Singapore, nơi anh sinh sống. Trong bộ ảnh của Trần Quỳnh Nhi, vườn lan ở quê nhà Quảng Ninh trở thành phông nền cho câu chuyện về gia đình. Cô kết hợp ảnh chân dung của mẹ mình với ảnh chụp màn hình tin nhắn, công cụ giúp kết nối người thân khi xa nhà.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh đánh giá cao quan điểm sáng tác của các nghệ sĩ, cho rằng tác phẩm thể hiện cá tính mỗi người. "Nhiều bức ảnh thể hiện được vấn đề tác giả muốn nói đến, mang tính thể nghiệm cao. Qua đó, họ thể hiện óc quan sát, suy ngẫm của họ về cuộc sống", ông nói.
Khán giả Khánh Như (23 tuổi) cho biết ấn tượng với tác phẩm của Nguyễn Hữu Thiện Trường và Nguyễn Võ Bảo Hân. "Ảnh của họ khiến tôi bồi hồi khi nhớ đến quê nhà, tạo cảm giác bình dị, thân thương", khán giả này nói.
Từ tháng 9 đến cuối tháng 11/2023, sáu nghệ sĩ được nhận chi phí sản xuất và hỗ trợ chuyên môn để hiện thực hóa ý tưởng dự án. Ban tổ chức cho biết trong ba tháng, các tác giả và đội ngũ hướng dẫn cùng làm việc, trao đổi lý thuyết và thực hành quy trình kể chuyện bằng hình ảnh. Chương trình khuyến khích thử nghiệm nhiều phương pháp tạo hình, có thể pha trộn ghi chép lẫn dàn dựng, kèm theo phương tiện khác như văn bản và ảnh lưu trữ.
Triển lãm do nhóm nhiếp ảnh gia Matca (Việt Nam) và tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận IC Visual Lab (Vương quốc Anh) thiết kế và vận hành, trong khuôn khổ UK/Viet Nam Season 2023 của Hội đồng Anh. Chương trình dành cho nghệ sĩ Việt muốn phát triển kỹ năng nhiếp ảnh và sáng tác về xã hội đương đại. Song song với khóa học ba tháng, chương trình kết nối liên ngành thông qua đóng góp từ những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Tên sự kiện lấy cảm hứng từ tiểu luận Routes/Worlds (2022) của nhà nhân loại học Elizabeth Povinelli.
>>> Một số tác phẩm trong triển lãm "Roots & Worlds"
Quế Chi