Sáng 1/9, Nhà triển lãm TP HCM (92 Lê Thánh Tôn, quận 1) diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề Hoàng Sa - Trường Sa - Biển đảo Việt Nam. Ngoài các bức ảnh đẹp về biển đảo Việt Nam, triển lãm còn giới thiệu cuộc sống, quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới, hải đảo của các chiến sĩ - nhân dân trên đảo.
Tại buổi khai mạc, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận bằng khen do UBND TP HCM trao tặng vì sự nhiệt tình đóng góp tư liệu quý, hình ảnh bản đồ để trưng bày đợt này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đang trình bày cho nhiều bạn trẻ hiểu khái quát về Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam. |
"Hiện, tôi còn giữ hơn 200 tấm bản đồ các nước trên thế giới cũng như bản đồ Việt Nam mà các nhà hàng hải quốc tế vẽ qua nhiều thời kỳ. Dù ở thế kỷ nào, dù Việt Nam được gọi với tên gì, An Nam, Giao Chỉ... và vài chi tiết này kia có sai lệch thì vẫn có một điều không thể thay đổi, Hoàng Sa - Trường Sa thuộc về Việt Nam", ông Nguyễn Đình Đầu khẳng khái.
Tất cả bản đồ mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giữ đều có tên tác giả, ngày tháng cụ thể. Trong số đó, tấm bản đồ do nhà hàng hải Bồ Đào Nha vẽ năm 525 là xưa nhất, thể hiện rõ ý ông Đầu nói. Nhiều bản đồ của Trung Quốc thể hiện Hoàng Sa - Trường Sa nằm trong vùng biển Việt Nam, được gọi là Giao Chỉ Dương (vùng biển nước Giao Chỉ).
Một tấm bảng đề tại triển lãm, trích dẫn theo Đại Nam thực lục chính biên. |
Nhà nghiên cứu chia sẻ thêm, ông rất mong chờ hội thảo cấp trung ương về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, dự kiến diễn ra trong tháng 9 tại Hà Nội để nói lên tiếng nói của mình.
Ban tổ chức triển lãm cho biết, chuyên đề Hoàng Sa - Trường Sa - biển đảo Việt Nam chỉ là bước ban đầu, sắp tới còn nhiều triển lãm về chủ đề này với nhiều ảnh, tư liệu tiếp tục được công bố rộng rãi.
Dưới đây là vài hình ảnh tại buổi triển lãm:
Văn khao lính Trường Sa năm Tự Đức thứ 20 (1867). |
Một tờ châu bản triều Nguyễn, Bảo Đại năm thứ 13 (1939) liên quan đến đảo Hoàng Sa. Tư liệu của nhà nghiên cứu Phan Thuận An. |
Bản đồ trạm khí tượng Hoàng Sa - Trường Sa năm 1940. Nguồn: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. |
Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch của Hoàng Lộc, NXB Khoa học xã hội năm 1964. |
Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đang chăm chú chụp lại một bức ảnh tư liệu tại triển lãm. |
Ghi chép những bản dịch cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. |
Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Quốc phòng thay mặt các chiến sĩ Trường Sa đọc lời thề sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (ngày 7/5/1988). |
Khẩu đội 12 ly 7 trên đảo Sinh Tồn Đông luyện tập chiến đấu. |
Những đầu sách về Hoàng Sa - Trường Sa do các nhà nghiên cứu trong nước thực hiện. |
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, người từng làm luận án tiến sĩ về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, có mặt tại buổi triển lãm. |
Thoại Hà