Thứ ba, 4/2/2025
Thứ hai, 10/10/2022, 17:27 (GMT+7)

Triển lãm ảnh kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô

Triển lãm “Khúc ca khải hoàn” nhân kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) được giới thiệu tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Triển lãm giới thiệu hàng trăm ảnh tư liệu, hiện vật, hình vẽ... tái hiện chặng đường chiến đấu của quân và dân Hà Nội những năm kháng chiến chống Pháp.

Không gian trưng bày gồm ba chủ đề: Bền bỉ kháng chiến, Ngày về chiến thắng và Hà Nội của ta.

Bức ảnh khắc họa những người lính tự vệ thủ đô nổ mìn, ngả cột điện trên đường phố để cản xe cơ giới của địch, tháng 12/1946.

Ngày 6/10/1954, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Văn Điển là nơi đầu tiên ở ngoại thành được giải phóng, tiếp đến là thị xã Hà Đông. Ngày 7/10/1954, những đơn vị bộ đội chủ lực theo nhiều tuyến đường tiến về tiếp quản Thủ đô. Ở những khu vực được tiếp quản, nhân dân chăng khẩu hiệu, dựng cổng chào, treo đèn kết hoa.

Tiểu đoàn Binh ca trên cầu Đuống tiến về Hà Nội, ngày 8/10/1954.

Sau các Hiệp định về hành chính, quân sự, Chính phủ Việt Nam đã chủ động phối hợp kiểm kê, tiếp quản toàn bộ các vị trí quân sự, công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học... ở Thủ đô.

Những lính Pháp cuối cùng qua cầu Long Biên, rút khỏi Hà Nội vào 16h ngày 9/10/1954.

Ngoài ảnh tư liệu, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tái hiện hoạt cảnh người dân đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô ngày 10/10/1954. Tại đây, còn có các nhân chứng là cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, chiến sĩ từng tham gia tiếp quản Thủ đô năm 1954, cán bộ, chiến sĩ E30, Trung đoàn 600 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ)…

Báo Tiền Phong, số đặc biệt với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đón mừng ngày giải phóng Thủ đô, tháng 10/1954

Những hiện vật gắn với nhà tù Hỏa Lò cũng được trưng bày tại triển lãm.

Bộ giấy tờ của ông Trần Khắc Cần (Hoàng Đình Tầm), cán bộ Thành đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội, sử dụng trong thời gian hoạt động bí mật tại nội thành Hà Nội, năm 1953-1954.

"Từ ngày giải phóng thủ đô đến nay, thành phố phát triển hơn nhiều. Hà Nội rộng lớn hơn, nhiều quận huyện, kinh tế, đời sống phát triển. Tôi tự hào vì góp phần nhỏ bé của mình vào việc giải phóng Thủ đô và sau này tham gia xây dựng, phát triển thành phố ngày càng vững mạnh", ông Đỗ Đăng Long, tù chính trị Nhà tù Hoả Lò tháng 11/1951-3/1952, nói.

Triển lãm "Khúc ca khải hoàn" sẽ mở cửa đến hết tháng 10.

Ngọc Thành