Sự kiện do viện Goethe tổ chức, khai mạc tối 3/10, tái hiện con người, cuộc sống và khung cảnh Hà Nội như: em bé chào đời trong thời chiến, hầm trú bom chằng chịt trên hè phố, đường phố Hà Nội với xe đạp, tàu điện... Các tác phẩm được nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chụp trong sáu lần ông ghé thăm Việt Nam trước năm 1975.
Ông Trần Hà (71 tuổi, Hoàn Kiếm) nói triển lãm đưa ông trở về Hà Nội những năm tháng khi còn là thanh niên 18, đôi mươi. "Tôi sinh ra ở Hà Nội, từng sống, học tập ở những năm tháng ấy nên thấy triển lãm tái hiện đầy đủ về cuộc sống gian khổ, những niềm vui nhỏ bé của người dân thủ đô. Những bức ảnh giúp tôi nhớ về quá khứ và trân trọng những gì đang có", ông nói.
Ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe - nói: "Ảnh của Thomas là những khoảnh khắc không thể tái hiện, là những hình ảnh xác thực và chân thành, như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt, một nụ cười ngây thơ trong bối cảnh khắc nghiệt và hăm dọa, một cảnh nên thơ thường nhật khiến ta quên đi nỗi sợ và chiến tranh, đem đến cho ta hy vọng vào trạng thái bình thường hòa bình".
Thomas Billhardt sinh năm 1937, là một trong những nhiếp ảnh gia hàng đầu nước Đức. Ông nổi tiếng với những bức ảnh trong thời chiến. Từ năm 1962 - 1975, Thomas đến Việt Nam sáu lần và trở lại sáu lần ở khoảng thời gian sau đó. Ông từng xuất bản bốn sách ảnh: Những phi công mặc pyjama (1968), Khát vọng hoà bình: Việt Nam (1973), Hà Nội - Những ngày trước hòa bình (1973), Những gương mặt Việt Nam (1978). Năm 1999, Thomas tổ chức triển lãm Chiến tranh Việt Nam tại Hà Nội. Năm 2003, ông trở lại tổ chức triển lãm ở Hồ Gươm, mục đích là gặp lại những nhân vật của mình.
Hiểu Nhân