Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Định, trên 9 tàu hàng bị chìm, mắc cạn ở biển Quy Nhơn do bão Damrey chở hơn 8.000 tấn clinker, gần 19.000 tấn than cám, hơn 3.000 tấn quặng Apatit, gần 3.000 tấn gạo.
Dự kiến, sau khi hút dầu, các chủ tàu tiếp tục trục vớt hàng hóa đưa lên bờ. "Chủ trương của tỉnh là không cho nhấn chìm xuống biển", ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên tỉnh Bình Định nêu quan điểm.
Theo ông Thành, hiện một số tàu đã đề xuất phương án xử lý hàng hóa trên tàu sau trục vớt. "Số gạo trên tàu Hà Trung, chủ tàu cho rằng có thể xem xét mức độ hư hỏng, làm thức ăn gia súc. Hoặc nếu hư hỏng quá nặng thì tính phương án khác", ông Thành nói.
Về hơn 8.000 tấn clinker, Giám đốc Sở Tài nguyên nhận định, clinker bị ngập nước biển sẽ hư hỏng. "Cái này làm vật liệu xây dựng thì không được rồi. Tuy nhiên, chúng tôi đang kết nối chủ tàu với Công ty xi măng Bình Định. Clinker có thể tận dụng để lót đường", ông Thành thông tin.
Thả phao khoanh vùng tàu đắm để ngăn tràn dầu
Ước tính có hơn 211.000 lít dầu DO và 8.000 lít dầu FO trong các tàu bị chìm có nguy cơ rò rỉ ra biển, gây sự cố môi trường.
Để "giải cứu" các tàu hàng, UBND Bình Định đã yêu cầu chủ các tàu trình phương án trục vớt trước ngày 12/11. Tuy nhiên đến chiều qua, chưa có chủ tàu nào có phương án hoàn chỉnh.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên Bình Định, do thời gian gấp rút, các chủ tàu phải làm việc với bên bảo hiểm và các đơn vị có năng lực trục vớt nên thời gian trình phương án bị chậm.
Để ngăn nguy cơ tràn dầu, 3 trong số 9 tàu đã trình phương án hút dầu. Trong đó, tàu Hà Trung 98 đã được công ty trục vớt hút 5.000 lít dầu đưa vào bờ.
Sở Tài nguyên Bình Định cũng sẽ giám sát việc hút dầu của các tàu. "Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung cũng đã ứng trực, sẵn sàng dùng giấy thấm hoặc các biện pháp khác nếu có sự cố rò rỉ", Giám đốc Sở Tài nguyên nói và đánh giá việc hút dầu đang được thực hiện tốt.
Ông Võ Đình Trân - Phó giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Trục vớt Bảo Trân - cho biết, công ty đã khảo sát trước khi đặt máy bơm và ống hút dầu để tránh sự cố rò rỉ. "Đặc biệt, chúng tôi đã đặt phao vây quanh tàu để khoanh vùng xử lý nếu xảy ra sự cố", ông Trân cho biết.
Ngoài tàu Hà Trung 98, tàu Fei Yue 9 (Mông Cổ) với 23.000 lít dầu DO, 8.000 lít FO; tàu Biển Bắc 16 (Việt Nam) trên tàu có 3.000 tấn clinker, 10.000 lít DO cũng đã trình phương án hút dầu.
Cảng vụ Quy Nhơn đã phối hợp cùng các ngành thẩm định, góp ý. Dự kiến, các chủ tàu tiến hành hút dầu trong vài ngày tới.
Sáng 4/11, bão Damrey đổ bộ vào Khánh Hòa - Phú Yên, mạnh cấp 12 (135 km/h). Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Quy Nhơn có 9 tàu chìm và mắc cạn, trên tàu có 84 thuyền viên.
Ban Phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định cho biết, có 71 người được cứu, 11 thi thể được tìm thấy, trong đó có 8 thi thể đã được người thân nhận. Hiện vẫn còn 2 người mất tích.
Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh chưa thể thống kê tổng thiệt hại từ các tàu hàng và đang chỉ đạo cho Cảng vụ Quy Nhơn và sở, ngành cùng chủ tàu triển khai trục vớt trong thời gian sớm nhất.
Phạm Linh