Phát biểu được ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng, Trưởng ban Khoa học và công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ, đưa ra tại hội thảo "Xúc tiến đầu tư vào các khu công nghệ cao (CNC)" ở TP HCM hôm 11/12. Ông Luật cho hay, hầu như 63 tỉnh, thành đều hình thành các khu CNC, song rất ít nơi có đầy đủ ý nghĩa là công nghệ cao theo Nghị định 99, thậm chí chưa thực sự có được những tiêu chí của một khu CNC hoàn chỉnh.
Thí nghiệm Nano tại Khu CNC TP HCM. Ảnh: H.T. |
Theo ông Luật, ngoài hai khu CNC TP HCM và Hòa Lạc (Hà Nội) "chính cống", hiện chỉ mới 5 địa phương xây dựng khu nông nghiệp hoặc công nghiệp CNC là Hải Phòng, Khánh Hòa, Sơn La, Mộc Châu, Phú Yên. 14 tỉnh thành khác có khu công nghiệp ứng dụng CNC như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Đồng Nai...
Ông Luật cũng cho rằng, chính sách kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao hiện chưa phù hợp, các thủ tục hành chính cần phải cải tiến và đặc biệt là tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Nhiều địa phương cho biết việc đầu tư vào các khu công nghệ cao đang gặp khó khăn, đồng thời rất mong chờ Luật công nghệ cao với nhiều ưu đãi cho cá nhân, quỹ đầu tư bỏ vốn vào CNC, có hiệu lực thi hành.
"Trong khi văn bản hướng dẫn thi hành Luật công nghệ cao chưa có thì hầu như địa phương nào cũng vẫn phải tiến hành theo nghị định cũ", ông Huỳnh Duy Hiếu, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, cho biết.
Đặc biệt, nói như ông Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, việc phát triển khu nông nghiệp CNC sẽ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế nhưng hiện địa phương vẫn chưa có một bản quy hoạch cụ thể. "Điều này khiến nhiều địa phương vẫn tự phát trong việc hình thành một số khu nông nghiệp CNC mà chưa theo một quy chuẩn nào", ông Trần Tuấn Anh phát biểu.
Các địa phương đều kiến nghị Chính phủ nên nhanh chóng có những nghị định hướng dẫn thi hành Luật công nghệ cao để các vùng trọng điểm nhanh chóng xúc tiến và đẩy mạnh phát triển ngành này.
Luật công nghệ cao được Quốc hội thông qua từ ngày 13/11 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Theo đó, có khá nhiều điều khoản hỗ trợ mạnh cho việc phát triển công nghệ cao cho cả doanh nghiệp và cá nhân. Các ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế và cơ chế tài chính đặc thù đều được dành cho việc phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Ngoài ra, vấn đề phát triển lĩnh vực CNC dành cho nông nghiệp được Nhà nước hỗ trợ mạnh như giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra một kế hoạch phát triển cụ thể về công nghệ cao, ưu đãi dành cho doanh nghiệp phát triển nông nghiệp CNC sẽ tương đương với đầu tư cho công nghệ sinh học, hóa học, vật lý... Điểm đặc biệt của Luật công nghệ cao là cá nhân cũng có thể đầu tư xây dựng và kinh doanh các khu CNC nếu được phê duyệt của Chính phủ. Đây là quy định chưa từng có trước đây. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cho CNC cũng được khuyến khích từ ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động khác. |
Mai Huy