Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH năm 2001, chỉ có gần 20% lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh được ký hợp đồng lao động, trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp nhà nước là 90%, ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 80%. Nguyên nhân một phần là do người lao động không ý thức được đầy đủ để đòi hỏi ký kết hợp đồng. Thậm chí, nhiều người đã hết hạn hợp đồng nhưng vì sợ “đòi quá sẽ bị mất việc” nên không yêu cầu ký lại. Kết quả là khi xảy ra tranh chấp, công nhân phải chịu bị thiệt thòi do chính sự thiếu hiểu biết của mình.
Quản lý lao động không chặt chẽ cũng là nguyên nhân khiến việc xử lý trách nhiệm khi người lao động tự ý phá hợp đồng (một quy định mới được bổ sung trong luật sửa đổi) gặp khó khăn. Luật đã đặt ra việc cấp sổ cho người lao động khi bắt đầu bước vào tuổi lao động. Sổ này được coi là lý lịch, ghi đầy đủ diễn biến việc làm của mỗi người. Tuy nhiên, thực tế không có sổ quản lý nên dù bị kỷ luật, công nhân vẫn dễ dàng tìm được công việc mới.
Việc tăng thời gian làm thêm giờ cũng gặp khó khăn ở các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, thủy sản. Đây là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh theo kiểu “no dồn đói góp” nên dù tăng thời gian làm thêm lên 300 giờ/năm (hiện hành là 200 giờ/năm) họ vẫn chưa thỏa mãn. Hơn nữa, rất nhiều người, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp, muốn tận dụng thời gian rỗi để làm việc và tăng thu nhập. Do đó trong tương lai, vi phạm về thời giờ làm việc sẽ còn tiếp tục. Việc này ảnh hưởng tới các hợp đồng với đối tác Mỹ, Tây Âu, vốn yêu cầu cao về tuân thủ các tiêu chuẩn lao động. Và thực tế, nhiều đơn gia công may mặc đã chuyển sang Trung Quốc, nơi luật pháp cho phép làm thêm tới 360 giờ/năm và 4 giờ/ngày.
Để quy định cụ thể hơn một số điều đã được nêu trong Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng một dự thảo pháp lệnh và 19 dự thảo nghị định liên quan. Khi có hiệu lực, những văn bản này sẽ giúp việc thi hành luật dễ dàng hơn.
(Theo Đầu Tư)