Đầu năm 2013, Jeff Bezos và Elon Musk chạy đua xem ai là người thuê được Bãi phóng nhiều tầng 39A tại Mũi Canaveral (Musk thắng), ai là người đầu tiên phóng tên lửa đến rìa vũ trụ (Bezos thắng), phóng tên lửa lên quỹ đạo (Musk thắng) và đưa con người lên quỹ đạo (Musk lại thắng).
Vũ trụ là đam mê riêng của cả hai người, và cuộc cạnh tranh giữa họ - như giữa các ông trùm đường sắt một thế kỷ trước - sẽ đóng vai trò thúc đẩy lĩnh vực này. Bất chấp những lời phàn nàn rằng vũ trụ đã trở thành sở thích của cánh tỷ phú, tầm nhìn tư nhân hóa các đợt phóng tên lửa chính là điều thúc đẩy nước Mỹ vốn tụt hậu so với Trung Quốc và thậm chí cả Nga, hòng trở lại vị trí dẫn đầu trong công cuộc thám hiểm vũ trụ.
Cuộc đua tiếp tục trở nên gay gắt vào tháng 4 năm 2021, khi SpaceX đánh bại Blue Origin của Bezos để giành hợp đồng đưa các phi hành gia NASA đi hết chặng cuối hành trình lên mặt trăng. Blue Origin đã kháng lại quyết định này nhưng bất thành. Trên trang chủ, họ đăng một bức ảnh đồ họa chỉ trích kế hoạch của SpaceX, với dòng chữ lớn đề là "vô cùng phức tạp" và "rủi ro cao". SpaceX đáp trả bằng cách chỉ ra Blue Origin "đã không chế tạo một tên lửa hay tàu không gian nào đủ khả năng đến được quỹ đạo". Người hâm mộ Musk trên Twitter đã dựng một bài nhảy flashmob nhằm giễu cợt Blue Origin, và Musk cũng tham gia. "Lêu lêu, còn chẳng lên được quỹ đạo kìa", anh tweet.
Bezos và Musk giống nhau ở một số khía cạnh. Họ đều tạo sự đột phá trong ngành nhờ niềm đam mê, sự đổi mới và sức mạnh ý chí. Họ đều thô lỗ với nhân viên, nhanh chóng xem mọi thứ là ngu xuẩn và nổi đóa trước những kẻ hoài nghi, chống đối. Và họ đều tập trung hình dung ra một tương lai thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Khi được hỏi rằng anh có đánh vần được từ "lợi nhuận" (profit) hay không, Bezos đã đáp: "L-ợ-i-n-g-u-ậ-n" (Prophet - nhà tiên tri).
Khi bàn sâu về kỹ thuật thì họ hoàn toàn khác. Bezos chuộng phương pháp. Phương châm của anh là gradatim ferociter, hay "vững vàng từng bước". Còn bản năng của Musk là thôi thúc, dâng trào và hướng mọi người đến những hạn chót điên rồ, ngay cả khi việc đó đồng nghĩa phải mạo hiểm.
Bezos tỏ ra hoài nghi, thậm chí phản bác việc Musk dành hàng giờ cho các cuộc họp kỹ thuật để đưa ra những đề xuất về kỹ thuật cũng như các mệnh lệnh đột ngột. Bezos cho biết các nhân viên cũ tại SpaceX và Tesla bảo rằng Musk hiếm khi hiểu biết nhiều như những gì anh tuyên bố, và những can thiệp của anh thường chẳng giúp ích gì hoặc chỉ gây rối. Về phần mình, Musk cảm thấy một lý do khiến Blue Origin đạt được ít tiến bộ hơn SpaceX là bởi Bezos là gã tài tử thiếu sự tập trung. Trong cuộc phỏng vấn vào cuối năm 2021, anh miễn cưỡng khen Bezos có "trình độ kỹ thuật tương đối tốt", nhưng cũng nói thêm: "Nhưng anh ta dường như không sẵn sàng dành năng lượng tâm trí để đào sâu vào chi tiết kỹ thuật. Sai một li là đi một dặm đấy."
Một tranh cãi khác cũng nổ ra có liên quan đến các công ty truyền thông vệ tinh đối địch của họ. Đến hè năm 2021, SpaceX đã triển khai gần 2.000 Starlink trên quỹ đạo. Internet dựa trên nền tảng vũ trụ của Starlink đã hiện diện ở 14 quốc gia. Bezos đã công bố các kế hoạch năm 2019 để Amazon tạo dựng một chòm sao và dịch vụ Internet tương tự, với tên gọi Dự án Kuiper. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có vệ tinh nào được phóng.
Một trong những mơ ước của Bezos là tự mình bay vào vũ trụ. Vào mùa hè năm 2020, giữa những đấu đá với Musk, anh đã tuyên bố mình cùng anh trai Mark sẽ bay đến rìa vũ trụ (tuy không vào quỹ đạo) bằng một cú phóng tên lửa Blue Origin trong vòng 11 phút. Anh sẽ là tỷ phú đầu tiên bay vào vũ trụ.
Sứ mệnh của Bezos đã thành công. Bezos cùng anh trai và đội bay đã đạt đến độ cao 66 dặm, cao hơn đường Kármán nhiều và cho anh quyền được khoe khoang thoải mái. Khoang tàu bay không gian của họ đáp xuống nhẹ nhàng bằng dù trên sa mạc Texas, nơi người mẹ đầy lo lắng và người cha điềm tĩnh của anh đang chờ đón.
Musk có vài lời khen tặng nhã nhặn dành cho Bezos và Branson: "Tôi nghĩ rằng họ thật tuyệt vời khi chi tiền để bay vào vũ trụ", anh nói với Kara Swisher trong Hội nghị Code vào tháng 9. Nhưng anh chỉ ra việc bay lên hơn 60 dặm chỉ là một bước tiến nhỏ. Anh giải thích: "Xin được nói rõ, so với tầng dưới quỹ đạo, cô cần năng lượng cao gấp hàng trăm lần để bay vào quỹ đạo. Sau đó, để quay lại quỹ đạo, cô cần đốt cháy số năng lượng đó, nên sẽ cần một tấm chắn nhiệt siêu hạng. Quỹ đạo phải khó hơn đến hai bậc so với tầng dưới quỹ đạo."
Musk bị nguyền rủa bởi lối tư duy âm mưu, khiến anh tin rằng đa số nội dung tiêu cực mà báo chí viết về anh là do âm mưu ngầm hoặc lợi ích thối nát của những kẻ sở hữu các cơ quan tin tức. Điều này đã được tuyên bố rõ khi Bezos mua lại tòa báo Washington Post. Trên thực tế, Bezos luôn tỏ ra vô can một cách đáng ngưỡng mộ khi đưa tin trên tờ Post, và ký giả đáng kính Christian Davenport chuyên viết về đề tài vũ trụ của tờ báo này thường xuyên đăng những câu chuyện ghi lại những thành công của Musk, bao gồm cả câu chuyện về sự đối địch giữa anh với Bezos. Davenport viết: "Hiện nay, Musk đang dẫn đầu trong hầu như mọi lĩnh vực. SpaceX đã gửi đi ba nhóm phi hành gia lên Trạm vũ trụ Quốc tế, và đã lên lịch phóng một đội phi hành gia dân sự trên chuyến bay ba ngày vòng quanh Trái Đất vào thứ Ba này. Còn Blue Origin chỉ thực hiện một sứ mệnh phóng vũ trụ duy nhất dưới quỹ đạo kéo dài hơn 10 phút".
Các cuộc cách mạng công nghệ thường bắt đầu không mấy phô trương. Chẳng ai thức dậy vào một buổi sáng năm 1760 và hét lên: "Trời ơi, Cách mạng Công nghiệp bắt đầu rồi!" Ngay cả cuộc Cách mạng Kỹ thuật số cũng đã lặng lẽ diễn ra trong nhiều năm, với những người có sở thích lắp ráp máy tính cá nhân để khoe khoang tại các cuộc tụ họp lập dị như Câu lạc bộ Máy tính Homebrew, trước khi mọi người nhận thấy thế giới đang thay đổi triệt để. Nhưng cuộc Cách mạng Trí tuệ Nhân tạo thì khác. Trong vòng vài tuần vào mùa xuân năm 2023, hàng triệu người am hiểu công nghệ và sau đó là những người bình thường nhận thấy một sự chuyển đổi đang diễn ra với tốc độ chóng mặt sẽ thay đổi bản chất của công việc, học tập, khả năng sáng tạo và các nhiệm vụ khác trong cuộc sống hàng ngày.
Suốt một thập kỷ, Musk đã lo lắng về mối nguy hiểm rằng một ngày nào đó trí tuệ nhân tạo có thể trở nên mất kiểm soát - nói cách khác là AI phát triển trí tuệ của riêng mình - và đe dọa nhân loại. Khi người đồng sáng lập Google, Larry Page bác bỏ những lo ngại của anh, gọi anh là "kẻ phân biệt chủng loài" vì anh ưu ái loài người hơn các dạng trí thông minh khác, điều đó đã phá hủy tình bạn của họ. Musk đã cố gắng ngăn cản Page và Google mua DeepMind, công ty do nhà tiên phong về AI Demis Hassabis thành lập. Khi việc này thất bại, vào năm 2015, anh đã cùng Sam Altman thành lập một phòng thí nghiệm cạnh tranh, một tổ chức phi lợi nhuận có tên OpenAI.
Có lẽ con người khó nhằn hơn máy móc, nên cuối cùng Musk đã chia tay Altman, rời khỏi hội đồng quản trị của OpenAI và lôi kéo kỹ sư nổi tiếng Andrej Karpathy về lãnh đạo nhóm Autopilot tại Tesla. Sau vụ việc đó, Altman đã thành lập bộ phận kinh doanh của OpenAI, nhận được khoản đầu tư 13 tỷ USD từ Microsoft và tuyển dụng lại Karpathy.
"Có thể làm gì để khiến AI trở nên an toàn?", Musk hỏi. "Tôi cứ vật lộn mãi với câu hỏi đó. Chúng ta có thể thực hiện những hành động nào để giảm thiểu mối nguy từ AI và đảm bảo ý thức của con người vẫn tồn tại?".
Musk đặt tên cho công ty mới của mình là X.AI và đích thân tuyển dụng Igor Babuschkin, nhà nghiên cứu AI hàng đầu tại DeepMind của Google, làm kỹ sư trưởng. X.AI ban đầu sẽ bố trí một số nhân viên mới tại Twitter. Nhưng Musk nói cần biến nó thành một công ty khởi nghiệp độc lập giống như Neuralink. Anh gặp một số khó khăn trong việc tuyển dụng các nhà khoa học AI vì cơn sốt mới trong lĩnh vực này có nghĩa là bất kỳ ai có kinh nghiệm đều có thể nhận được khoản tiền thưởng ban đầu từ 1 triệu đô-la trở lên. Anh giải thích: "Sẽ dễ có được họ hơn nếu họ có thể trở thành người sáng lập một công ty mới và có cổ phần trong đó." Tôi tính ra như vậy nghĩa là anh ấy sẽ điều hành sáu công ty: Tesla, SpaceX và bộ phận Starlink của nó, Twitter, The Boring Company, Neuralink và X.AI. Con số này gấp ba lần so với Steve Jobs ở thời đỉnh cao (Apple, Pixar).
Anh thừa nhận mình xuất phát chậm hơn nhiều so với OpenAI trong việc tạo ra một chatbot có thể đưa ra câu trả lời bằng ngôn ngữ thông thường cho các câu hỏi. Nhưng nghiên cứu của Tesla về ô tô tự lái và robot Optimus đã đưa công ty vượt xa đối thủ trong việc tạo ra loại AI cần thiết để hành động trong thế giới thực. Điều này có nghĩa là các kỹ sư của anh đã thật sự đi trước OpenAI trong việc tạo ra trí tuệ nhân tạo tổng hợp hoàn chỉnh, hội tụ cả hai khả năng. Anh nói: "AI trong thế giới thực của Tesla bị đánh giá thấp. Hãy tưởng tượng nếu Tesla và OpenAI phải hoán đổi nhiệm vụ. Họ sẽ phải tạo ra tính năng Tự lái và chúng tôi sẽ phải tạo ra các chatbot mô hình ngôn ngữ lớn. Ai thắng? Là chúng tôi".
Vào tháng 4, Musk giao cho Babuschkin và nhóm của anh ba mục tiêu chính. Đầu tiên là tạo ra một robot AI có thể lập trình. Một lập trình viên có thể bắt đầu nhập bất kỳ ngôn ngữ lập trình nào và robot của X.AI sẽ tự động hoàn thành nhiệm vụ đối với hành động có khả năng xảy ra nhất mà họ đang cố gắng thực hiện. Sản phẩm thứ hai sẽ là đối thủ cạnh tranh với chatbot dòng GPT của OpenAI, một sản phẩm sử dụng thuật toán và được đào tạo dựa trên các bộ dữ liệu để đảm bảo tính trung lập về chính trị của nó.
Mục tiêu thứ ba mà Musk đặt ra cho nhóm thậm chí còn vĩ đại hơn. Nhiệm vụ quan trọng nhất của anh luôn là đảm bảo AI phát triển theo cách giữ cho ý thức của con người tồn tại lâu dài. Anh nghĩ rằng điều đó có thể đạt được tốt nhất bằng cách tạo ra một dạng trí tuệ nhân tạo tổng hợp có thể "lý giải" và "suy nghĩ", cũng như lấy "sự thật" làm nguyên tắc chỉ đạo của nó. Bạn có thể giao cho nó những nhiệm vụ lớn, chẳng hạn như "Chế tạo loại động cơ tên lửa tốt hơn".
Musk hy vọng một ngày nào đó nó sẽ có thể giải quyết được những câu hỏi lớn hơn và mang tính hiện hữu hơn. Nó sẽ là "một AI tìm kiếm sự thật tối đa. Nó sẽ quan tâm đến việc tìm hiểu vũ trụ và điều đó có thể khiến nó muốn gìn giữ loài người, bởi chúng ta là một phần thú vị của vũ trụ." Điều đó nghe có vẻ quen quen, và rồi tôi nhận ra tại sao. Anh ấy đang bắt tay vào một nhiệm vụ tương tự như nhiệm vụ được ghi lại trong cuốn thánh kinh thời thơ ấu đã giúp hình thành (có lẽ quá ảnh hưởng tới?) con người anh, chính nhiệm vụ đã kéo anh ra khỏi chứng trầm cảm hiện sinh ở tuổi vị thành niên, cuốn The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy. Cuốn sách mô tả một siêu máy tính được thiết kế để tìm ra "Câu trả lời cho câu hỏi tối thượng về cuộc sống, vũ trụ và mọi thứ".
Tiểu sử Elon Musk do Walter Isaacson, nhà báo nổi tiếng người Mỹ, viết trong hai năm. Bản tiếng Việt do AlphaBooks chuyển ngữ, dày 756 trang, ra mắt ngày 20/12. Cuốn sách giống một thước phim, tái hiện cuộc đời tài phiệt giàu nhất thế giới từ lúc ấu thơ đến khi trở thành ông trùm công nghệ. Qua cuốn tiểu sử, Musk hiện lên là một thiên tài điên loạn, người khó kiềm chế cảm xúc của bản thân và xử lý các mối quan hệ xung quanh. Theo cách nói của Walter Isaacson, "luôn có một con quỷ dữ" bên trong tỷ phú.