Khi tôi bắt tay vào nghiên cứu các tật xấu và tính tốt của người Việt, câu đầu tiên mà rất nhiều người hỏi là đã đưa "bệnh đố kỵ" vào chưa. Tôi bảo chưa, nghe vậy họ bất mãn nói đấy là thói tật điển hình của người Việt mà lại bỏ qua, cần phải bổ sung ngay vào. Sau đó họ bực bõ kể đủ thứ chuyện xấu xa, đồi bại, nhỏ nhen xoay quanh thói "ghen ăn tức ở", và họ đã phải khổ sở đến thê thảm vì tính đố kỵ như thế nào. Cứ như thể tất cả những người xung quanh đều từng trở thành nạn nhân của sự đố kỵ.
Tôi phản đối rằng ở đâu mà chẳng có người đố kỵ. Đông Tây kim cổ đều thế cả. Bệnh đố kỵ vốn đã lẩn khuất đâu đó trong mã gene của loài người từ thuở hồng hoang nên một khi nó vốn đã không phải "độc quyền" của người Việt thì có thể bỏ qua. Nếu như Phật giáo coi tham, sân, si là nguồn gốc của mọi đau khổ con người thì Ki tô giáo của người phương Tây xếp đố kỵ vào một trong "bảy mối tội", là nhóm tội lỗi gốc rễ mà con người thường mắc phải, là nguồn cơn gây ra mọi tội lỗi khác. Bảy tội này cũng tương ứng với bảy con quỷ dưới hỏa ngục: Lười biếng, tham lam, tham ăn, dâm đãng, kiêu ngạo, thù hận và đố kỵ. "Cơ mà người Việt là siêu đố kỵ, chứ không phải đố kỵ bình thường, và họ sẵn sàng làm mọi thứ để thỏa mãn tính đố kỵ của họ". Người ta phản bác như vậy.
Tôi đã suy nghĩ rất lâu về điều này. Cũng có thể do tôi... chẳng mấy khi bị ai đố kỵ nên tật xấu này đã đào thải ra khỏi tiềm thức một cách tự nhiên. Chí ít là hầu như chưa bị bất kỳ thái độ và hành vi đố kỵ nào gây phiền phức cả. Tuy nhiên, trước sau gì tôi vẫn cho rằng xét về bản chất, người Việt không hề đố kỵ hơn các dân tộc khác, còn nếu họ bộc lộ điều đó một cách quá đà, tất là đã bị kích thích bởi hoàn cảnh khách quan.
Ấy là vì đố kỵ sẽ dễ bị phát tác khi có sự so sánh và chênh lệch. Trong thông báo gần đây nhất của Tổ chức Báo cáo Hạnh phúc Thế giới thì 10 quốc gia được xếp hạng hạnh phúc nhất năm 2021 đều rơi vào những nước có đời sống cao và khoảng cách giàu nghèo bị thu hẹp tối đa. Khi phúc lợi được chia đều cho người dân thì sự bất mãn, hẹp hòi đã được dẹp bỏ phần nào. Thu nhập cao không phải lý do chính, mà khoảng cách chia rẽ giữa kẻ giàu và người nghèo mới là vấn đề.
Việt Nam có một giai đoạn lịch sử vừa kỳ lạ vừa hài hước vừa khiếp hãi, đấy là thời bao cấp. Đủ mọi chuyện ly kỳ và độc nhất vô nhị được truyền tụng cho thế hệ sau và cả người ngoại quốc, mà chỉ riêng chủ đề ấy thôi cũng khiến cuộc trà dư tửu hậu trở nên sống động. Song một điểm chung mà những "người trong cuộc" đều thống nhất là "Thời ấy sống khổ, gì cũng thiếu, mà sao nó chan chứa tình người. Người với người ứng xử với nhau nồng hậu, chứ không như bây giờ". Có gì lạ đâu, bởi lúc ấy ai cũng khổ như nhau, quan cũng như dân, người nổi tiếng với kẻ vô danh không khác xa là bao, đều nâng niu từng mét vải, từng cuộn chỉ khâu, từng cái xoong chiếc chảo, tấm chiếu, manh quần, đôi dép nhựa Tiền Phong. Nếu có hơn nhau thì cùng lắm hơn vài miếng thịt. Nếu có đố kỵ thì bất quá chỉ có thể do nhà nào đấy lỡ kiếm được bữa thịt tươi mà nướng chả cho nức mũi lên, dù đã gắng đóng cửa và che chắn các kiểu mà vẫn không ngăn được mùi thơm bay đi khắp xóm, khiến láng giềng đang phải ăn cơm độn và rau muống luộc bỗng nhói lên mà đố kỵ.
Khi cùng khốn khổ như nhau, người ta bỗng đâu như tinh tế hơn, đồng cảm hơn, sẻ chia hơn. Tôi có anh bạn đã đi qua thời bao cấp kể lại rằng hồi ấy bố mẹ anh là cán bộ nên bữa sáng anh hay được ăn phở gà, tuy nhiên các bạn cùng lớp chẳng được như thế, có lưng cơm rang mỡ lợn đã là may lắm, nên anh thường cố gắng tránh không để các bạn biết bí mật về bữa sáng, sợ nhỡ đâu bạn tủi thân và chạnh lòng. Thời ấy, ai có thứ gì hơn người cũng không bao giờ dám khoe khoang, trưng trổ, bởi tinh thần kháng chiến và chủ nghĩa tập thể được tuyên truyền mạnh mẽ, đến yêu nhau lắm còn phải giấu đi. Mười người như một, giống nhau từ lối sống, từ bộ "đồng phục" áo trắng, quần đen, dép nhựa cho đến bữa cơm độn ngô, độn sắn và cả cách viết thư tình.
Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi, chủ nghĩa vật chất lên ngôi. Hố sâu giàu nghèo ngày càng ngoác ra như một vực thẳm không cách gì san phẳng. Đó chính là mặt trái của sự phát triển kinh tế không đồng bộ. Tốc độ đô thị hóa, toàn cầu hóa và tỷ lệ gia tăng của tài khoản mạng xã hội khiến người ta dễ dàng chứng kiến sự phân hóa và bất bình đẳng giữa các nhóm thu nhập trong cộng đồng. Ở đó có những người ở nhà dát vàng, di chuyển bằng phi cơ và ăn bữa tối trị giá vài chục ngàn đô la, nhưng cũng lại có vô số đối tượng bần cùng đến nỗi vấn đề lớn nhất là thực phẩm của ngày hôm nay và thậm chí không đủ tiền chạy chữa những bệnh cơ bản. Ở đó có những đứa trẻ mẫu giáo sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu cả triệu đô la và cả những đứa trẻ vùng cao mùa đông cởi truồng, chân đất, tay bốc nắm cơm lạnh ngắt cho bữa trưa.
Số lượng đột biến những người giàu lên nhanh chóng hoặc nổi tiếng thần tốc nhờ truyền thông và mạng xã hội khiến người ta không thể kìm giữ sự sung sướng mà không phô trương điều đó. Như một vòng luẩn quẩn, sự khoe khoang, phô bày đã kích thích tính cạnh tranh và thói đố kỵ. Và mạng xã hội đã hoàn tất nốt việc cổ vũ những thói xấu ấy của con người.
Tính khoe khoang là đặc tính của người Việt, và một khi ai cũng thích khoe thì thậm chí ta còn không nhận thức nổi việc đó. Thói tật ấy đã được phát huy một cách vô thức và vô tình, khiến đa phần đều phủ nhận và cho rằng họ không phải típ người khoe khoang. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng liệu mình đã kìm chế triệt để tính phô trương khi mà trên mạng tràn ngập giấy báo điểm đỗ đại học trong mùa tuyển sinh, các loại giải thưởng và điểm số chứng chỉ, các thành tích bản thân, những quà tặng giá trị trong các ngày lễ, những tấm hình chụp kỳ nghỉ đắt giá và các bữa tối sang chảnh, và cả những bức ảnh phô bày quá đà hạnh phúc riêng tư. Thậm chí trong những đợt lũ lụt miền Trung và dịch bệnh đang hoành hành ở miền Nam, nhiều người không có cả mì gói và mớ rau để ăn thì các tài khoản cá nhân vẫn tiếp tục phô diễn mọi thứ sung sướng của họ. Cho tới khi bị dư luận bất bình thì nhiều người nổi khùng lên phản biện rằng việc ai nấy làm tôi chả liên quan gì. Khi bạn phô bày bất cứ điều gì, hãy nghĩ đến việc có những người đang rất thiếu thốn thứ mà bạn có.
Nhiều người bảo rằng "Sao phải sống khổ thế, tôi có gì khoe nấy, thích gì nói nấy, tôi có ăn trộm ăn cướp của ai đâu mà phải giấu. Mà đứa nào xấu tính thì cứ để cho nó tức điên lên càng tốt, cho nó ghen tị đến hộc máu thì thôi". Một khi tham, sân, si đã là bản tính luôn ẩn náu trong tiềm thức loài người thì hà cớ gì ta cứ cố gắng khơi gợi, kích thích điều đó. Ở các quốc gia văn minh, tiến bộ, người ta luôn hạn chế khoe khoang bằng các quy định thành văn và bất thành văn, nhằm tránh gây hiềm khích, căng thẳng trong cộng đồng, đặc biệt là quy tắc Jantelagen ở vùng Bắc Âu. Chính vì thế mà trong top năm quốc gia hạnh phúc nhất thế giới thì vùng Scandinavia chiếm trọn cả năm vị trí, bao gồm Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Iceland. Họ không khoe khoang và vì thế cũng hạn chế tối đa sự đố kỵ.
Có lần đọc báo thấy ở Mỹ nhiều phụ huynh khiếu kiện lên nhà trường đề nghị các phụ huynh Mỹ gốc Nhật không nên... chuẩn bị cơm bento cho con nữa. Ấy là vì các mẹ Nhật làm cơm bento đẹp như một vườn hoa, như một bức tranh nghệ thuật, nên khi các cháu bé người Nhật mở hộp cơm ra vào giờ ăn trưa, các bạn đồng khóa cứ há hốc miệng ra nhìn. Thấy vậy các mẹ khác bức xúc quá bảo thôi đừng làm thế nữa tội con tôi.
Khoe khoang những thứ mình có, bao gồm tài sản, vị trí, gia thế, danh tiếng, bằng cấp, con cái và sự tôn sùng những giá trị bên ngoài cũng gây nên hiệu ứng kỳ thị và cạnh tranh ở thế hệ trẻ. Nếu như thời của tôi, các bạn cùng lớp thường không phân biệt và ứng xử rất chan hòa thì ở thế hệ Gen Z, ngay từ tiểu học, những đứa trẻ hội tụ các yếu tố như giàu có, gia thế, sành điệu, học giỏi, điểm số cao sẽ tự cho mình quyền khinh miệt những bạn học ở vị thế đối lập và lôi kéo các bạn khác theo mình, tạo nên quyền lực ngầm trong cái cộng đồng non tơ nhỏ xíu là lớp học. Những đứa trẻ yếu thế hơn cũng biết thân biết phận mà không dám phản kháng, từ đấy vô hình trung đã hình thành sự méo mó về tính cách của cả hai nhóm, khi mà sự cạnh tranh những giá trị bên ngoài đã trở nên khốc liệt ngay từ trên ghế học đường.
Sự phân hóa giữa các tầng lớp dân cư ngày càng rõ nét cả ngoài đời thực lẫn trên mạng xã hội không chỉ kích thích thói đố kỵ mà còn gia tăng cả tội ác và thù địch.
Nhiều người cho rằng họ hiểu bản chất vấn đề và đã cố gắng hết sức để không khoe khoang những gì mình có, thậm chí giấu hết cả đi y như đang sống thời bao cấp, nhưng "cũng có những thứ làm sao mà giấu được, ví như chức vụ thì nó lù lù trên danh thiếp, hoặc tài năng lồ lộ ra đấy biết chôn vùi đi đâu. Đó là những thứ vốn luôn gây đố kỵ cực mạnh đấy thôi". Vẫn có một cách để xóa bỏ những cảm giác tiêu cực đang nhen nhóm, ấy là sự khiêm tốn, hòa đồng và không ngừng tôn vinh, khen ngợi người khác. Bạn không thể cứ mãi ghen tị và tức tối với những người luôn khiêm nhường và biết lùi một bước để giúp bạn tỏa sáng. Riêng kỹ năng này chúng ta cũng không khéo léo bằng người phương Tây.
Trong những chuyến viễn du sang châu Âu công tác và học tập, tôi từng chứng kiến cách ứng xử rất tuyệt vời của những người có nhiều lợi thế hơn so với các nhóm đối tượng khác trong cộng đồng. Họ là các lãnh đạo, doanh nhân giàu có, chính trị gia hay những nghệ sĩ nổi tiếng, tuy nhiên hành vi không khác gì mấy so với bất cứ người bình thường nào, thậm chí còn nhũn nhặn hơn rất nhiều. Họ cũng luôn dành nụ cười thân thiện, cổ vũ, động viên và khen ngợi đối với những người ít lợi thế hơn họ.
Trên mạng đã từng lan truyền hình ảnh tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö ngồi bệt trên cầu thang để lắng nghe bài phát biểu trong một hội chợ sách năm 2018. Người đàn ông quyền lực nhất một vùng Bắc Âu đến hội chợ sách một mình, không có vệ sĩ hay đoàn tùy tùng tiền hô hậu ủng. Vì khán phòng đã chật kín nên những người vào sau như ông phải ngồi trên bậc cầu thang. Ông Niinistö ăn vận bình thường hết sức có thể, tay cầm cuốn sách mới mua rồi ngồi lẫn với những người đi dự hội chợ. Bức ảnh được một người trong hội chợ tình cờ chụp lại rồi mãi sau mới đưa lên mạng. Đã quen với vẻ quan cách, trịnh trọng, thế nọ thế kia của những đồng bào khi vừa ít nhiều giành được những thứ mà xã hội ao ước, dân ta nhìn hình ảnh ấy mà không khỏi mắt tròn mắt dẹt.
Thế nên, bệnh đố kỵ, nhiều phần vẫn xuất phát từ sự khoe khoang, phô bày dù vô tình hay cố ý đang tồn tại hàng ngày trong cộng đồng vậy.
Phần 1. Còn tiếp
(Trích sách Tật xấu người Việt, Di Li, Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành)