Ra mắt cuối tháng 5, Muôn kiếp nhân sinh 3 nối tiếp câu chuyện huyền bí của tập một và tập hai, đưa bạn đọc đi cùng quá trình thức tỉnh tâm linh của nhân vật chính Thomas.
Dịp sách phát hành, VnExpress trích đăng một số phần của tác phẩm, tên các phần trích do tòa soạn đặt.
Chúng ta đang để lại cho con cháu mình một thế giới như thế nào?
Tôi đưa mắt nhìn ánh mặt trời chiếu qua những cành thông đang rung rinh bên cửa sổ tạo thành những tia nắng nhảy múa tựa cánh bướm và nói với Thomas:
Thế giới của chúng ta đang rung chuyển và biến động từng ngày. Dù có là người thờ ơ nhất thì cũng ý thức được những cơn rung chấn cấp độ toàn cầu đã và đang áp sát cửa nhà chúng ta. Thử nhìn ra xung quanh, chỉ vài năm trở lại đây, thiên tai trở nên ngày càng cực đoan, băng vĩnh cửu đang tan nhanh ở hai đầu cực địa cầu, trái đất nóng lên chạm ngưỡng báo động, dịch bệnh lan tràn, chiến tranh bùng nổ và có nguy cơ lan rộng, thế giới lại phân cực trở lại như thời chiến tranh lạnh, thậm chí sự sống của toàn thể nhân loại đang bị đe dọa bởi cơn bốc đồng của một vài cá nhân sở hữu những nút bấm kích hoạt vũ khí hạt nhân.
Nếu có một chút để tâm đến những gì đang diễn ra, tôi nghĩ chúng ta phải tự hỏi: "Chúng ta đang để lại cho con cháu mình một thế giới như thế nào?". Trong những ngày tháng đầy biến động này, tôi hy vọng mọi người đều biết tự hỏi thế giới này đang đi về đâu? Phải chăng trong sự phát triển cao ngạo của mình, nhân loại đã đi sai hướng suốt một thời gian dài - tự gọi mình là chủ nhân địa cầu nhưng chúng ta có cư xử xứng đáng như một chủ nhân có trách nhiệm tại ngôi nhà chung của muôn loài? Những gì con người đang hướng tới cho đến nay vẫn là ngắn hạn, đi về hướng phá hủy và tận diệt.
Thảm họa đã ở trước mắt, tôi và ông đã nhận ra, chắc chắn những người dẫn dắt thế giới cũng đã nhận ra, nhưng có bao nhiêu người chọn chung tay cùng hành động cho một thế giới tương lai tốt đẹp và nhân ái hơn cho loài người? Ngay trong môi trường làm việc của tôi, đa số người trẻ đều tự hào về sự tiến bộ của công nghệ. Họ quan niệm trí thông minh là điều kiện tất yếu giúp con người tạo ra những phát kiến phi thường. Nhiều công ty và trường đại học cũng đánh giá cao về trí thông minh nên thường tuyển chọn nhân viên, sinh viên dựa trên chỉ số thông minh
Thomas gật đầu:
- Trong lúc khoa học và công nghệ phát triển, thu được nhiều thành quả tốt đẹp, thay đổi đời sống con người thì dĩ nhiên số đông tin vào các định luật khoa học và phát kiến công nghệ. Hiển nhiên trí thông minh là cần thiết, chúng ta không thể phủ nhận khả năng của nó được. Mọi tiện nghi của đời sống vật chất bây giờ đều là kết quả của trí thông minh. Không lâu trước đây, nếu muốn đi xa, chúng ta phải dùng xe ngựa, nhưng bây giờ thì đã có xe hơi hay phi cơ. Nhờ trí thông minh, đời sống con người đã hoàn toàn thay đổi. Tuy nhiên, câu hỏi của tôi là những người thông minh này đã và đang làm gì với tài năng của họ?
Tôi trả lời:
- Phần lớn chỉ chú trọng vào việc kiếm tiền, có càng nhiều tiền càng tốt. Ai cũng biết trong thế kỷ này, công nghệ là yếu tố chính đã tạo ra những cơ hội làm giàu hiếm có. Khi xưa, phần lớn người giàu đều phải trải qua thời gian dài vượt thử thách, gian nan mới xây dựng được sự nghiệp thành công, vững chắc. Ngày nay, nhiều người trẻ có thể trở thành triệu phú chỉ trong một thời gian ngắn. Việc kiếm tiền tương đối nhanh chóng này khiến họ trở nên kiêu căng, tự mãn, ích kỷ và vô cảm. Họ không quan tâm gì đến những hậu quả từ việc làm của mình, cũng không quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh.
Đồng tiền đã chi phối và làm thay đổi hầu hết con người. Nhiều người chỉ lo kiếm tiền và không ngần ngại làm bất cứ việc gì, kể cả những việc sai quấy, trái luân thường đạo lý, miễn là có tiền. Nhiều người coi tiền bạc là thước đo giá trị và mục đích của đời sống. Ít ai có thể vươn tầm mắt khỏi những lợi ích cá nhân và để ý gì đến những lý tưởng cao đẹp, đem lại lợi ích chung cho nhân loại. Tôi không cho rằng sự phát triển của công nghệ đang dẫn dắt nhân loại đi đến nền văn minh cao hơn và hạnh phúc hơn. Trái lại, công nghệ và muôn kiểu tiện ích thông minh dựa trên AI đang khiến con người bớt nhân ái hơn, vô cảm hơn, lười nhác hơn.
Chúng ta ít nhìn vào ánh mắt nhau một cách chân tình, ít dành cho nhau nụ cười và nhận ra những thiện ý của nhau hơn, vì hầu hết thời gian của chúng ta dùng để cắm mặt vào điện thoại, iPad hay máy tính. Hình ảnh quen thuộc nhất khi nhắc đến thời đại này chắc chắn là những con người đang cúi đầu nhìn vào màn hình điện thoại bất kể ngày hay đêm, họ nghĩ họ đã có cả thế giới trong một thiết bị nhỏ xíu nhưng đồng thời họ cũng tự cô lập mình ra khỏi thế giới. Có lẽ vì thế mà ít người nào còn quan tâm đến những việc xung quanh, thế giới của chúng ta dường như đang bị hủy hoại với tốc độ nhanh chưa từng có.
Thomas gật đầu:
- Thật đáng tiếc, có thể nhiều người trong chúng ta ngày càng thông minh hơn nhưng hầu hết lại không biết sự khác biệt giữa trí thông minh (intelligence) và trí tuệ (wisdom).Theo tôi, trí thông minh chỉ là bước đầu giúp con người thay đổi, thích nghi với đời sống. Nó chỉ là cái mầm non vừa nảy từ hạt để mọc thành cây chứ chưa đơm hoa, kết trái được. Nó đã tạo ra các phát minh có giá trị nên nhiều người đặt cho nó vai trò quan trọng. Thật ra nó chỉ là chiếc xe ngựa thô sơ đưa con người từ chỗ này đến chỗ khác, không thể so sánh với phi thuyền không gian bay khắp vũ trụ được.
Trí thông minh giúp ta suy luận, phân tích và giải quyết một số vấn đề nhưng nó rất giới hạn khi so với trí tuệ. Hiện nay, các khoa học gia, kinh tế gia, lý thuyết gia, những người được coi là thông minh, chỉ biết hướng ra ngoài tìm kiếm giải pháp, trong khi điều họ nên làm là quay vào bên trong và sử dụng trí tuệ của mình.
Do đó, các sáng kiến hay phát minh của họ thường không mang lại ý nghĩa và hạnh phúc thật sự cho con người. Trong thời đại này, chúng ta cần biết rằng mọi phát minh phải được xây dựng từ đạo đức và trách nhiệm - tức căn bản của trí tuệ - chứ không phải từ trí thông minh. Không có đạo đức, trí thông minh chỉ tạo ra những điều có hại cho xã hội.
Phần 1. Phần 2. Hết trích đăng.
(Trích sách Muôn kiếp nhân sinh 3, First News, NXB Tổng hợp TP HCM)