Dịp tiểu thuyết Đò dọc của nhà văn Bình Nguyên Lộc tái bản trong tháng 4, VnExpress đăng một số trích đoạn, tên các phần trích do tòa soạn đặt. Trong tác phẩm, Bình Nguyên Lộc sử dụng nhiều phương ngữ Nam bộ.
Trận cười chấm dứt chuyện đời, nên ông Nam Thành khởi đầu câu chuyện khác.
- Hôm qua tôi đi trên đường Biên Hòa, thấy chuyện nầy đáng chú ý lắm là ở làng Xuân Trường, dựa hai bên đường, nhà mới, cất lên rất nhiều, trông vui hết sức.
- Yên giặc rồi dân trở về xứ cũ à?
- Không, chỗ đó ngày xưa, hồi tiền chiến, không có nhà. Hỏi ra thì mới hay dân mới là những kẻ suy sụp như mình, lùi về vườn để thủ.
- Sao họ không về làng họ, lại chọn chỗ đó?
- Chắc làng họ đang bị nạn cướp bóc như làng mình. Còn tại sao họ chọn làng đó mà không chọn làng khác thì tôi thật bí. Có lẽ ở các làng khác cũng có, mà mình ít đi đâu nên không thấy. Nhưng luôn luôn, họ chọn gần đường cho được an ninh. Trông ngộ quá. Một nếp nhà con con, xinh xắn, vén khéo, giữa một miếng vườn mới lập, cây còn non như cuộc đời chớm nở. Nó trẻ và mạnh làm sao!
- Nhưng chủ nhà lại vào buổi xế chiều. - Cô Hoa nói.
- Ừ đúng! Luôn luôn như vậy. Chỉ có mấy ông già bà cả mới trồng cây; thanh niên, thiếu nữ nóng tánh lắm, hưởng thì thích mà trồng thì không đủ chí bền.
- Chưa chắc thích hưởng đâu ba. - Quá cãi - Con tưởng tượng về vườn chắc buồn lắm.
- Nên thơ lắm chớ buồn gì. - Cô Hồng đa cảm và hay mơ mộng cãi như vậy.
- Nên thơ đối với bọn về chơi vài bữa. Còn về ở luôn để cuốc đất thì nên... thở là đúng hơn. - Cô Hoa thông minh một cách thực tế, thấy rất đúng, và ranh mãnh nói câu đó.
- Chết chưa, - ông Nam Thành than - tao định lui về vườn mà tụi bây nghĩ như vậy cả thì làm sao.
Bây giờ cô gái lớn mới xen vô:
- Đâu có nghĩ như vậy cả, ba! Con với con Hồng thì tán thành. Cộng thêm vào ba, má là mình được đa số rồi. Cho con Hoa và con Quá hỏng giò!
- Ờ, tán thành! Nữa rồi chị đào mương nghen! Tụi em chỉ làm thơ thôi.
- Thôi không cà rỡn nữa. Bác Phán Tân, lúc đi xe qua vùng đó, có mách ba một cuộc đất hai mẫu, cách Thủ Đức bốn cây số ngàn...
Bà Nam Thành chận hỏi:
- Tính đi từ Sài Gòn lên thì khỏi Thủ Đức hay chưa tới Thủ Đức?
- Khỏi.
- Cũng được. Nếu chưa tới thì khổ, vì đất phía dưới ngập nước, mà lại nước mặn nữa chớ, y như dưới xứ của mình.
- Nghe đâu họ bán có bảy chục ngàn.
- Đất không mà mắc dữ vậy sao?
- Đất bây giờ có giá. Vả lại đó là đất tốt.
- Tôi không hiểu sao ông chẳng tính chuyện về xứ.
- Dưới mình còn cướp bóc nhiều lắm.
- Còn ở đó cũng là chỗ khỉ ho cò gáy chớ hơn gì.
- Không, miền đông khác dưới ta nhiều. Ở miền Đông, không có xó kẹt nào mà xe đò không vô tới. Việc tiếp tế dễ dàng hơn, dân ít quê hơn, và nhứt là tương đối an ninh hơn. Vả lại ta sẽ ở dựa con đường Thiên Lý, con đường quan trọng nhứt Việt Nam thì bà biết ta sẽ được yên ổn đến bực nào.
Cô Quá gõ đũa vào chén, đánh nhịp mà hát:
Ai đi lên trên con đường thiên lý sương sa mờ (Điệu hát thịnh hành hồi tiền chiến)
- Im cái mồm! - Bà Nam Thành mắng con bằng giọng và lối nói miền Bắc - Gần đi lấy chồng rồi mà còn trẻ con!
- Gần đâu mà gần, má. Chị Hai hăm tám rồi mà còn chưa lấy chồng, con mới có hăm hai hè!
Gia đình ông Nam Thành rất cởi mở về việc chồng con của con cái. Bà mẹ ưa nói đùa về vụ đó nên mấy cô con gái quen tai không mắc cỡ nữa và lấy đó làm đầu đề câu chuyện nhiều khi.
Hương bị cô em gái nói mỉa mà không mích lòng, vì cô thấy nó không ác ý. Cô cũng rập nhau mà cười với mấy em cô.
Cô điểm mặt Quá mà nói:
- Về trển, bắt mầy nhịn xi nê cho mầy ngáp chơi.
Cô Quá chụp cô Hoa mà trả thù:
- Chị Hoa mới là ngáp chớ, em có ghiền ngồi tiệm kem như chị đâu.
Ông Nam Thành làm thinh mà ăn, để cho con pha trò giây lâu mới hỏi vợ:
- Bà nghĩ làm sao?
- Thì quyền ở ông.
- Nhưng bà thích theo tôi hay không chớ?
- Ở đâu quen đó. Thích thì tôi không thích mà theo thì tôi theo. Xóm đó đông hay không?
- Nhà lân cận ở cách đất ấy cỡ hú một tiếng dài mới nghe.
- Úy trời! Vậy thì sợ chết!
- Có tôi mà còn sợ cái gì. Tôi chỉ lo bà nhớ tay xệp ở đây mà buồn mà thôi.
- Ông nói như tôi là tay cờ bạc. Buồn, đánh chơi chút ít, chớ hồi ở dưới Bạc Liêu tôi lại không chăn vịt, không làm lụng sao?
- Tôi tính như vầy. Mình sang căn nhà nầy, ít lắm cũng được bốn mươi ngàn. Lại hốt mấy đầu hụi chót. Mua đất xong, còn tiền đủ ăn trong năm đầu. Năm đó ta trồng cây. Nhưng lại trồng xen hàng bông và nuôi gà để kiếm tiền xắp thời đặng ăn năm sau.
- Không cất nhà sao?
- Cất chớ! Tôi quên nói rõ: Mua đất và cất nhà, cất nhà chỉ tốn độ hai mươi ngàn là nhà rộng chán.
- Sao rẻ dữ vậy?
- Ở nhà quê vật liệu và nhơn công nới hơn ở đây. Vả lại mình biết thu xếp.
- Té ra ba nói thật à? - Cô Hoa hỏi.
- Chớ nãy giờ con ngỡ ba, má nói cà rỡn hay sao? Sách có chữ: Tọa thực sơn băng...
Cô Quá cười khúc khích, liếc các chị cô mà phê nho nhỏ:
- Ổng xổ nho rồi đó!
Cô Hương nối lời cha bằng một vế chữ nôm:
- ... Ngồi ăn núi cũng lở.
Rồi cả nhà cùng cười. Được trớn, cô tiếp:
- Vì vậy ba mới đem mình về gần núi Châu Thới cho nó mau lở thêm chơi.
- Gần núi thật hả ba?
- Cũng còn xa. Mà đi bộ tới đó chưa mỏi chơn lắm.
- Sướng a, tụi mình sẽ đi suối Lồ Ồ mỗi ngày.
- Cô nào cũng có phận sự cả. - Ông Nam Thành chận phấn khởi của con lại - Chúa nhựt mới đi chơi.
- Về nhà quê rồi mà còn theo thời dụng biểu phiền phức như ở đây sao ba?
- Tại sao lại bỏ, nếu thời dụng biểu là cần?
Tác giả Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, xuất thân trong một gia đình có mười đời sống tại Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Bình Dương). Không chỉ là nhà văn lớn, ông còn là nhà văn hóa Nam bộ trong giai đoạn 1945-1975, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và cổ văn. Trong sự nghiệp, tác giả có khoảng 50 tiểu thuyết, 1000 truyện ngắn và bốn cuốn sách nghiên cứu như Mưa thu nhớ tằm, Cõi âm nơi quán cây dương, Mối tình cuối cùng, Tân liêu trai và Hương quê. Một số tác phẩm của ông chưa kịp in đã bị thất lạc, hủy hoại trong chiến tranh.
(Trích sách Đò dọc, NXB Trẻ)