Theo CNN, đó là kết luận của công trình mới do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Ragnar Frisch (Na Uy) tiến hành. Nhóm tác giả đã phân tích chỉ số IQ của đàn ông Na Uy sinh từ năm 1962 đến năm 1991. Kết quả, phát hiện trí thông minh có xu hướng tăng trong giai đoạn 1962-1975 nhưng từ đó đến nay lại giảm đều. Nghiên cứu trên người Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Phần Lan, Estonia cũng cho thấy điều tương tự.
Lý giải hiện tượng trên, một số ý kiến đổ lỗi cho gene di truyền, rằng "người IQ thấp có nhiều con hơn người IQ cao", vì vậy "ngu ngốc hóa" thế hệ tương lai. Tuy nhiên, ông Ole Rogeberg đứng đầu công trình kịch liệt phản đối bởi thực tế chỉ ra trí thông minh của anh em cùng cha mẹ chưa chắc đã giống nhau và chính các phụ huynh IQ cao mới là nhóm thích sinh nở.
"Nguyên nhân giảm IQ liên quan đến các yếu tố môi trường", ông Rogeburg khẳng định. Các yếu tố môi trường ở đây bao gồm hệ thống giáo dục, môi trường truyền thông, chế độ dinh dưỡng cùng thói quen đọc sách ít, lên mạng nhiều.
Đồng tình với lập luận của ông Rogeburg, chuyên gia trí thông minh Stuart Ritchie từ Đại học Edinburgh nhận định giáo dục ảnh hưởng mạnh mẽ đến trí tuệ. Trong nghiên cứu riêng chưa được công bố, ông Ritchie cùng đồng nghiệp nhận thấy thời gian học tập kéo dài làm tăng IQ.
Robin Morris, giáo sư tâm lý học từ Đại học King London (Anh) thì cho rằng cách đo trí thông minh truyền thống bằng các bài test IQ đã trở nên lạc hậu và thiếu chính xác. "Quan điểm của tôi, đã đến lúc thay đổi vì con người giờ đây tiếp xúc với hàng loạt trải nghiệm trí tuệ khác nhau, ví dụ như mạng xã hội. Cách thể hiện trí thông minh không còn như trước, phương pháp giáo dục cũng không nên giữ nguyên", ông Morris nói.