![]() |
Thực hiện thôi miên. |
Tái tạo trí nhớ
"Hãy thư giãn đi, nào, nào...", Câu nói vang nhè nhẹ, ru ngủ người phụ nữ. Chị mơ màng kể lại những gì mình thấy trong giấc ngủ chập chờn: một bãi biển xanh ngắt, sóng vỗ nhẹ, một luồng sáng dịu". Khi tỉnh dậy, chị hầu như thấy lại trọn vẹn những gì mà mình quên mất sau khi bị tai nạn giao thông cách đây 2 tháng. Tại trung tâm liệu pháp thôi miên thuộc Đại học Texas, Mỹ, bác sĩ William Kerry đang chữa trị cho hơn 100 bệnh nhân bị chứng suy giảm trí nhớ sau những chấn thương liên quan đến não.
Nhiều người may mắn sống sót nhưng hoàn toàn quên mọi kỷ niệm, không nhớ gì quá khứ. Những chuyện như vậy rất nguy hiểm, vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần bệnh nhân và cả những người xung quanh. Thôi miên đang được Mỹ và vài nước châu Âu xem là phương thuốc kỳ diệu giúp tái tạo trí nhớ, gây dựng lại trí nhớ đã bị ký ức xóa sạch trong não. Nếu cần một lời lý giải cặn kẽ cho cơ chế "quên và nhớ" của não thì khoa học bó tay, nhưng thôi miên lại biết cách tái tạo kỷ niệm tại một vùng nào đó trên não.
Tại Đại học Concordia (Canada), thôi miên cũng đang được giáo sư Jean Roch Laurence áp dụng triệt để cho những người mất đi "trí nhớ tự thân", loại trí nhớ có nhiệm vụ ghi chép và lưu trữ trong tiềm thức đủ loại kỷ niệm, từ mơ hồ thủa bé đến những quá khứ in đậm do có ấn tượng mạnh. Bạn không thể quên - trên nguyên tắc - một kỷ niệm vui hay buồn có ảnh hưởng đến đời bạn, nhưng tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông làm nó bị xóa sổ thì quả là tai họa. Theo thăm dò của tạp chí La Recherche, khoảng 90% gia đình của những bệnh nhân như thế vô cùng đau khổ khi một thành viên trong gia đình họ không còn nhớ chút gì.
Tuy nhiên, không phải lúc nào thôi miên cũng thành công, vì khoảng 11% trường hợp bỗng bị gán ghép ký ức giả, nghĩa là nhớ lại những chuyện không phải của mình! Chuyện khó tin này diễn ra ở mức độ trùng hợp, làm nhiều nhà nghiên cứu phải băn khoăn. Jean Baptiste Verona là một chàng trai 26 tuổi ở Québec. Anh bị tông xe khá nặng và mất trí nhớ. Sau khi được chữa trị bằng thôi miên, anh chợt "nhớ" những hình ảnh lạ hoắc mà cả gia đình và bạn bè đều không biết. Chẳng hạn, Verona kiên quyết cho rằng mình từng đi cắm trại trong rừng với 4 người bạn thân cách đây 10 năm, trong khi những người này đều xác nhận không có.
Những chuyện như vậy là cực kỳ khó hiểu, càng khó hiểu hơn khi nhiều người có cùng "trí nhớ giả" như nhau. Dominique và Allien đều được giúp đỡ bằng thôi miên. Cả hai không quen biết nhau, nhưng đều có trí nhớ giả là một buổi đi xem phim với một anh chàng xa lạ. Lời mô tả của hai phụ nữ này hoàn toàn giống nhau. Thật khó nếu đòi hỏi lời giải thích về vùng não nào chịu tác động của thôi miên và tại sao hai người xa lạ lại có thể có chung trí nhớ giả.
Thận trọng với trí nhớ giả
Về phương diện pháp lý, trí nhớ giả đôi lúc tỏ ra nguy hiểm, vì nó có thể gây tai họa cho một người vô tội. Cuối thập niên 1980, trí nhớ giả từng tạo nên mức độ phức tạp và nhầm lẫn cho nhiều dự án. Nếu một thủ phạm gây án và bỏ trốn, sau đó, nạn nhân bỗng có trí nhớ giả và kể "vanh vách" chân dung hoặc hành động của một ai đó thì quả là một bi kịch. Khi gặp mặt một người vô tội, một con bệnh bị rối loạn ký ức bỗng gào lên: Chính hắn đã làm nhục tôi" hoặc "Chính hắn đã đụng vào tôi và bỏ chạy" thì cảnh sát có thể gieo nghi vấn ngay lập tức. Từ lâu, khoa học đã gọi triệu chứng này là kỷ niệm giả hay sai lạc. Trước đây, khái niệm này chỉ được dùng để chỉ những kỷ niệm khủng khiếp tưởng chừng đã bị quên sau chấn thương, nhưng được phục hồi. Về sau, nó còn được dùng để chỉ trí nhớ giả. Mỹ - vào thập niên 1990 - đã phải thành lập hẳn tổ chức bảo vệ nạn nhân của trí nhớ giả, nhằm giảm thiểu ngộ nhận trong xét xử. Canada cũng từng trình lên Bộ Tư pháp - vào năm 1997- dự án thành lập hội bảo vệ những người vô tội bị trí nhớ giả gieo vạ.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, dù thôi miên liệu pháp đạt được những kết quả rõ ràng. Liệu nó có làm xã hội thêm bất ổn một khi thủ phạm đích thực ung dung trong khi kẻ vô tội bỗng mắc vòng lao lý? Trong tác phẩm Động lực của trí nhớ, tác giả Michelle Fugain của Pháp cũng nhấn mạnh rằng cơ chế "thu nhận tất cả" của não cần được xem xét lại cẩn thận, vì không phải lúc nào não cũng có quyền năng chính xác. Cơ chế vận hành đầy phức tạp và bí ẩn của não đôi khi cho ra những tình huống sai lạc rất lớn mà thần kinh học chưa thể giải đáp.
Cũng theo Michelle, trong khi đọc một bài báo, người ta đã để não tập trung vào việc "đọc hiểu và ghi nhớ", nhưng có những ký ức vẫn vô tình được não ghi lại mà con người không hay biết, chẳng hạn, mùi nấu nướng đâu đó, tiếng nhạc văng vẳng từ nhà bên cạnh hoặc một màu sắc thoảng qua. Ký ức "vô nghĩa" như vậy có thể được lập trình một cách hết sức tai hại trong não, sau đó kết hợp với nội dung bài báo và cho ra một thứ "ký ức cocktail" chết người. Nếu chúng ta khỏe mạnh thì món cocktail ấy ngủ yên trong não và không có khuynh hướng vùng dậy. Nếu trí nhớ bị lung lay, món cocktail hổ lốn ấy có thể được não ghi nhận đậm hơn và cho ra phía trước, nghĩa là có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và đánh lừa ý thức của con người. Khi đó, một phụ nữ bị làm nhục - sau khi được giúp đỡ bằng thôi miên - bỗng "nhớ" lại gương mặt và hình dạng của thủ phạm tưởng tượng, chỉ vì tình cờ đọc lại bài báo kia (hoặc bài báo có nội dung tương tự), đúng lúc mùi thức ăn hay màu sắc khi xưa cùng xuất hiện. Nói nôm na là vậy, nhưng những gì xảy ra trong não thì không ai hiểu được. Bạn không tài nào ghi nhớ nổi vài số điện thoại nào đó, nhưng não đã lưu trữ chúng mà bạn không hay biết. Một lúc nào đó, não bỗng bật ra và ra lệnh (tai hại) cho bạn rằng "đó là số điện thoại của thủ phạm". Khi đó, nạn nhân vô tội sẽ gặp vô số rắc rối với cảnh sát.
Khoảng cuối thập niên 1990, Đại học Arizona của Mỹ cho ra thuyết "chi tiết ngầm", nghĩa là nhấn mạnh và lý giải giá trị của những chi tiết vô nghĩa trong não. Những gì mà con người ghi nhớ kỹ, nhớ dai đôi khi lại là hời hợt. Những gì tưởng chừng vô hại, mau quên lại được não lưu lại rất kỹ và đợi lúc bùng nổ. Theo thống kê của Hiệp hội Thôi miên liệu pháp của Bỉ, có gần 70% bệnh nhân mất trí nhớ hoặc bị bệnh Alzheimer bỗng khôi phục trí nhớ theo kiểu "chi tiết", nghĩa là không nhớ lại được nội dung quan trọng, mà lại nhớ vanh vách các tiểu tiết tầm phào dù chuyện đã xảy ra từ nửa thế kỷ!
Theo giáo sư Alex Rochefort của Pháp, thời gian có lúc đóng vai trò rất lớn với những tiểu tiết như thế. Cụ thể, một chi tiết vô nghĩa được lưu lại, sau đó, qua thời gian, hàng loạt chi tiết vô nghĩa khác được nạp tiếp và nằm đó. Một lúc nào đó, do não bị trục trặc, chúng có thể kết hợp rất bền vững và nhanh chóng để cho ra một kỷ niệm giả mà con người cứ tin chắc là thật. Với Đại học Washington, những kiểu trí nhớ như thế được gọi là "nhân tạo", không phải theo kiểu robot hay máy tính mà là một kiểu "sáng tác tai hại". Điều mà khoa học chắc chắn là nếu thôi miên liệu pháp không chen vào thì trí nhớ giả rất hiếm khi xuất hiện.
Theo Hiệp hội tâm lý học của Mỹ (APS), thôi miên liệu pháp là con dao hai lưỡi. Giáo sư Elizabeth Loftus của hiệp hội này vô cùng kinh ngạc khi thấy thí nghiệm của bà đã cho ra một kết quả kỳ lạ: hơn 70% số người được thí nghiệm đã có trí nhớ giả trùng hợp 100%. Đó là lời kể về thủa nhỏ, mình bị lạc trong một trung tâm thương mại sầm uất, cha mẹ đi đâu không biết, chỉ còn mình mình đứng gào khóc giữa đám đông xa lạ. Lẽ nào thôi miên liệu pháp đã "lập trình" hàng loạt cho những bộ não của những chủ thể khác nhau? Một số ít bệnh nhân lại rơi vào tình trạng "lạm phát kỷ niệm", nghĩa là nhớ lung tung, nhớ đủ thứ trên đời, cả những chuyện mà não sáng tác ra. Một số nhà thần kinh học thì cho rằng khi trẻ em chưa được 3 tuổi thì não chưa hoàn thiện. Một kỷ niệm mạnh có thể làm não bị trục trặc và tạo ra những chương trình giả. Kết luận này ra đời vì đa phần những người có trí nhớ giả đều có kỷ niệm mạnh trước 3 tuổi, chẳng hạn bị tai nạn dẫn đến chấn thương ở đầu, bị xâm hại cơ thể hoặc bị ám ảnh.
Thế Giới Mới (theo La Recherche, L'express.fr, Cl)