Khoảng 10 người tắm biển Quy Nhơn đoạn từ Công viên thiếu nhi đến gần khu danh thắng quốc gia Ghành Ráng, bị cá cắn bị thương đến phải nhập viện, tính từ tháng 7/2009 đến nay. Riêng ngày 9/1 đã có đến 3 người bị cá tấn công. Người dân địa phương và du khách hết sức lo lắng. Bãi biển chiều qua vắng hẳn người tắm.
Bãi biển vắng người. Ảnh: Minh Thảo |
Trước tình trạng đáng lo ngại này, ông Thái Ngọc Bích, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn cho biết: “Chúng tôi đang gấp rút phối hợp với ngành chức năng để sớm tìm ra “thủ phạm”, giải quyết dứt điểm tình hình, tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt và hoạt động du lịch. Nếu ngư dân chủ động săn bắt được con cá dữ này thì sẽ được chính quyền trọng thưởng”.
Còn ông Nguyễn Hữu Hào, Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định cho biết: “Để trấn an tình hình, ngay chiều 12/1, Chi cục đã cho một chiếc bobo thường xuyên kiểm tra vào giờ cao điểm tại vùng biển xảy ra các vụ cá cắn vừa qua”. Theo ông Hào, Chi cục đã kiến nghị thành phố lập ngay một trạm cứu hộ tại bãi tắm để cứu hộ khi cần thiết.
UBND tỉnh Bình Định cũng đã phải nhờ đến Viện Hải dương học tại Nha Trang hỗ trợ, để xác định chính xác loài cũng như số lượng cá dữ, cùng đưa ra hướng giải quyết hiệu quả. Chiều 12/1, Phó Viện trưởng Võ Sĩ Tuấn đã đưa đoàn Viện Hải dương học Nha Trang đến Quy Nhơn để tìm hiểu tình hình và gặp các nạn nhân bị cá tấn công.
Ông Nguyễn Quang Huynh (57 tuổi), nạn nhân đầu tiên bị cá dữ tấn công tại bãi biển Quy Nhơn vào sáng 18/7/2009, kể lại, hôm ấy ông đi tắm biển cùng 4 người bạn, đều là những người bơi giỏi và thường bơi khá xa bờ. Ông Huynh là người bơi trước, khi cách bờ chừng 150 m thì bị một con cá ngoạm vào cẳng chân phải. Một mảng cơ bằng khoảng bàn tay gần như bị rời ra, hở cả xương.
Những người bạn của ông Huynh cùng nỗ lực đưa ông vào bờ và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Do thương tích nặng, ông Huynh phải nằm viện điều trị suốt một tháng mới được về nhà.
Một số ngư dân có kinh nghiệm ở địa phương cho biết, vẫn thường xuyên đánh bắt được cá mập con (khoảng 5-7kg) tại vùng biển này. Còn cá mập lớn hiếm khi vào bờ. Chỉ khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm cá mập mẹ mới vào vùng biển Ghành Ráng để đẻ, sau đó lập tức bơi ra khơi. Theo họ, dù chỉ có trọng lượng nhỏ như thế nhưng cá mập đã đánh bắt được có thân hình dài, khiến nhiều người cảm tưởng là cá to. Đặc biệt, khi há miệng đớp mồi, miệng cá mập con rất to (gần bằng bàn tay xòe).
Nhận định của các ngư dân này, với vết cắn để lại cho nạn nhân, có thể khẳng định thủ phạm là cá mập con. Cá mập trưởng thành mỗi lần cắn là mất cả chân tay chứ không chỉ là vết ngoặm.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Tuấn khá dè dặt nhận định: “Với các vết cắn để lại trên người những nạn nhân, trước mắt, chỉ có thể khẳng định đúng là do cá cắn. Còn thủ phạm là loài cá gì, khối lượng bao nhiều thì còn phải xem xét”.
Theo ông Võ Văn Quang, Phó phòng động vật có xương sống, Viện Hải dương học Nha Trang, nếu chỉ căn cứ vào một vài chi tiết nhỏ rất khó khẳng định chính xác được loài. Ông nói: “Ngoài ra, việc tìm được con cá đã gây ra những vụ tấn công này cũng như mò kim đáy bể. Bởi vì, phương tiện tối tân nhất hiện nay là máy định vị ba chiều, nhưng loại máy này chỉ phát hiện ra các đàn cá, còn cá thể đơn lẻ là rất khó khăn”.
Minh Thảo