Đỉnh núi Pusilung là ngọn núi có độ cao 3.080 m, nằm ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè giáp biên giới Trung Quốc. Đây là ngọn núi cao thứ hai Việt Nam chỉ xếp sau Fansipan.
Cuối tháng 11 vừa rồi, sau một năm cấm leo vì nhiều lý do như du khách đi lạc sang đất bạn và Covid-19, chúng tôi xin được giấy phép của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để leo nóc nhà biên giới Pusilung.
Nhóm 7 người chúng tôi từ những người có nhiều kinh nghiệm leo núi vẫn rất phấn khích và lo lắng vì Pusilung là cung dài, khó và khắc nghiệt nhất Tây Bắc. Cung leo 3 ngày 2 đêm với tổng chiều dài hơn 60 km là điểm đến trong mơ của mọi phượt thủ bởi trước đây 10 người đi thì chỉ 4 - 5 người leo thành công.
Khởi hành từ Hà Nội lúc 19h, nhóm đi xe giường nằm 12 tiếng đến thị trấn Mường Tè. Sau khi ăn sáng, chúng tôi thuê xe 7 chỗ tới Đồn biên phòng Pa Vệ Sử làm các thủ tục cần thiết. Từ Mường Tè vào đồn biên phòng chỉ khoảng 35 km nhưng đi mất gần 2 tiếng do đường rất bé và xấu.
Tại đồn biên phòng, chúng tôi gặp 4 người dẫn đường và gùi đồ (hay gọi là porter) người Dao để phân chia đồ đạc và trao đổi lịch trình. Họ đã đi xe máy hơn 5 tiếng từ bản Lang, huyện Phong Thổ, cách Pa Vệ Sử hơn 150 km tới để hỗ trợ và dẫn đường cho nhóm do người La Hủ ở đây không có thói quen tham gia những cuộc dã ngoại.
Sau khi làm thủ tục, nghe các anh bộ đội biên phòng hướng dẫn và gửi quần áo sạch ở đồn để khi xuống núi thay, nhóm bắt đầu chuyến chinh phục Pusilung vào lúc 11h, muộn hơn so với kế hoạch 1 tiếng.
Vượt qua được con suối lớn bằng cây cầu làm sơ sài bằng các cây sắt nhỏ, cả nhóm chạm vào bìa rừng, điểm xuất phát của cung leo. Một vài thành viên của nhóm đã chọn phương án lội suối thay vì mạo hiểm đi qua cầu.
Đi được khoảng 1 tiếng trong rừng, nhóm vượt một con suối lớn khác và dừng nghỉ ăn trưa ở đây. Cung leo Pusilung có tổng 11 con suối lớn nhỏ. Chúng tôi tự nhủ trong lòng nếu gặp mưa lớn, chuyến đi chắc chắn thất bại do nước suối dâng lên và chảy xiết, chia cắt đường.
Ăn trưa xong, chúng tôi nhanh chóng lên đường để đến được điểm hạ trại bên hang đá trước khi trời tối. Sau khi vượt qua con dốc Yên Ngựa dưới cái nắng nóng gay gắt, nhóm đến được lán của ông bà già người La Hủ nghỉ chân, xin rau và mượn đồ để nấu nướng. Từ đây lên tới đỉnh là đoạn đường dài hơn, một năm nay hầu như không có người qua lại nên cây cối và cỏ lau, cây gai mọc um tùm, chắn hết lối đi. Mọi người vừa đi vừa chặt cây, gỡ gai ra khỏi quần áo nên khá mất sức và thời gian.
Cũng từ đoạn này, chúng tôi được yêu cầu luôn đi sau porter và bám sát nhau vì đây là khu vực rừng nguyên sinh, hoang sơ, có thể chạm mặt với rắn và thú dữ như gấu, báo. Ngoài ra, có nhiều đoạn một bên là rừng lau, cỏ tranh và một bên là vực sâu, nếu không chú ý quan sát, bám theo các porter - những người thạo đường và tinh mắt, có thể bị ngã xuống vực.
Sau 5 tiếng leo liên tục, dù rất mệt và đói nhưng cả nhóm quyết tâm đến được hang đá để hạ trại theo đúng kế hoạch. Nếu không ngày thứ 2 chúng tôi sẽ phải mất 15-17 tiếng leo lên đỉnh và về lại khu cắm trại, bởi đi trong bóng tối mất nhiều thời gian hơn.
Chúng tôi đến được điểm hạ trại bên hang đá ở độ cao 2.600 m lúc 19h, khi trời đã tối. Dù phải đi gần 2 tiếng trong bóng đêm nhưng ai cũng hài lòng với quyết định vì theo kế hoạch thì sẽ đảm bảo đoàn lên đỉnh thành công và trở về trước khi trời tối vào ngày hôm sau.
Mọi người chia nhau dựng lều và đi tắm bên dòng suối cạnh khu vực hạ trại trong lúc các porter nấu ăn. Họ chuẩn bị bánh chưng, xôi, thịt hộp cho bữa trưa, thịt lợn, thị bò, rau và 2 con gà sống để nấu cho 2 bữa tối. Ăn xong, ai nấy sắp đồ và đi ngủ sớm để lấy sức cho ngày hôm sau, chặng đường nặng nhất của hành trình.
Ngày 2 cả nhóm khởi hành từ lúc 6h kém và phải dùng đèn pin soi đường vì lúc này trong rừng trời tối đen như mực. Thời tiết sáng sớm rất lạnh nhưng leo núi chỉ khoảng 20 phút là ai cũng phải cởi bớt áo khoác.
Chúng tôi may mắn được đón bình minh trên đường đi. Cảnh sắc núi rừng, cỏ cây hoa lá dưới ánh bình minh đẹp không thể tả bằng lời hay hình ảnh.
Sau khi vượt con dốc 4 tiếng, băng qua khu rừng trúc và rừng dẻ, sồi, cột mốc 42 hiện ra trước mắt giữa đất trời biên cương. Được xây dựng năm 2008, đây là mốc biên giới cao thứ hai trên toàn lãnh thổ Việt Nam (chỉ sau mốc 79) nằm trên cao độ 2.866 m.
Chúng tôi nghỉ ngơi, thực hiện nghi lễ chào cột mốc và chụp ảnh kỷ niệm sau đó nhanh chóng lên đường. Anh Tẩn Chỉnh Khệ, người đã từng hơn chục lần dẫn khách chinh phục Pusilung, dặn dò chúng tôi từ cột mốc 42 lên tới đỉnh Pusilung phải đi sát nhau vì rất dễ bị đi lạc sang đất Trung Quốc.
Từ cột mốc 42 lên tới đỉnh Pusilung là quãng đường khó nhất trong hành trình vì dốc cao, lên xuống liên tục và dài như bất tận. Theo anh Nguyễn Hoàng Bắc thuộc Công ty Lim Travelling, đơn vị chuyên tổ chức các chuyến du lịch ở vùng núi Tây Bắc, nhiều người leo đến được mốc 42 rồi quay về do đoạn đường từ đây lên đỉnh quá dài, dốc và khó đi. Ngoài ra, nếu thời tiết mưa hoặc tính toán sai về thời gian, không lên được đến mốc 42 trong buổi sáng thì sẽ không đủ thời gian lên đỉnh và quay về lán, anh Bắc chia sẻ.
Tuy nhiên, đây cũng là quãng đường đẹp nhất vì nó băng qua khu rừng cổ thụ với những thân cây to, rong rêu, có lẽ có từ cả trăm năm trước. Có những trảng rừng chỉ có một loại cây là đỗ quyên cổ thụ. Rừng đỗ quyên vàng cổ thụ ở đây nhiều và đẹp hơn bất kỳ nơi đâu ở Tây Bắc.
Cuối tháng 11 là thời điểm lá cây đang chuyển màu trước khi sang đông nên cả cánh rừng đa màu sắc càng rực rỡ trong huyền bí và hoang sơ.
Cả nhóm lên nóc nhà biên giới lúc 12h, đúng như kế hoạch. Dù đã chuẩn bị rất kỹ về thể lực và tinh thần, chinh phục được đỉnh núi khó bậc nhất Tây Bắc vẫn đem tới cảm giác tuyệt vời nhất, hoàn toàn khác so với tất cả các lần trước đó.
Chúng tôi ăn trưa, chụp ảnh và rời đỉnh lúc 13h, về tới khu cắm trại bên hang đá là 18h30. Không như các cung leo núi khác, thời gian đi xuống thường chỉ bằng một nửa khi lên, cung Pusilung lúc xuống tốn thời gian gần bằng khi lên do liên tiếp có dốc khó đi.
Cả nhóm cứ đi khoảng 15-20 phút lại nghỉ 2-3 phút để uống nước và lau khô người tránh trường hợp mồ hôi thấm ngược vào cơ thể dẫn đến cảm lạnh.
Đêm thứ 2, mọi người nghỉ lại điểm cắm trại bên hang đá. Sáng hôm sau nhóm thu dọn đồ, khởi hành lúc 5h và về tới đồn biên phòng lúc 12h trưa, kết thúc hành trình 3 ngày 2 đêm chinh phục Pusilung kỳ vỹ và huyền bí.
Chinh phục Pusilung là một thử thách về thể lực và ý chí trekking lớn nhất mà nhóm 7 người chúng tôi từng đối mặt và đã vượt qua. Mọi người không thể làm được điều này nếu kông chuẩn bị tốt về thể lực, quyết tâm, tinh thần đồng đội hỗ trợ nhau trong quá trình leo và đặc biệt là may mắn gặp thời tiết đẹp.
Nguyễn Đức Hùng
Ảnh: Đức Hùng, Hoàng Bắc, Bá Duy, Mai Trần