Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa cho biết, 70% số bệnh nhân nói trên bị viêm màng não do vi trùng, số còn lại là do virus.
Bác sĩ Khanh cho biết, viêm màng não là loại bệnh viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương; nếu nặng sẽ ảnh hưởng đến não bộ (do vi trùng tấn công não bộ, gây áp xe, phù não). Tỷ lệ tử vong do viêm màng não chỉ 1-2%, thấp hơn nhiều so với viêm não (10-20%).
Theo bác sĩ Khanh, trong 2 học sinh đã tử vong vì viêm màng não ở Long An, một do phế cầu gây ra, ca kia chưa xác định được là do vi trùng nào. Qua 2 trường hợp tử vong này, bác sĩ lưu ý là các loại vi trùng gây viêm màng não đều xuất phát từ bệnh lý viêm tai, mũi, họng mà không được điều trị đến nơi đến chốn, khiến vi trùng xâm nhập màng não.
Trẻ bị viêm màng não do virus thường bệnh nhẹ và tự khỏi. Với trường hợp do vi trùng, việc điều trị trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh (động kinh, não úng thủy...).
Ở giai đoạn đầu, trẻ thường nóng sốt, nhức đầu, nôn mửa; trẻ nhỏ bỏ ăn, trẻ dưới một tháng có thể phồng thóp. Sau 3-4 ngày, trẻ có thể co giật, hôn mê nếu không được điều trị kịp thời hoặc gặp vi trùng kháng thuốc. Nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ viêm màng não là có biến chứng não bộ. Để phát hiện sớm bệnh, cha mẹ nên đưa con đi khám nếu trẻ than nhức đầu, sốt, nôn ói 3-4 ngày. Đừng nghĩ đơn giản là con bị cảm cúm thông thường mà không đưa đi bác sĩ.
Hiện đã có vacxin phòng viêm màng não do virus VMN và virus não mô cầu. Loại phòng viêm màng não do phế cầu ở trẻ nhỏ hiện chưa có tại Việt Nam. Ngoài tiêm phòng, trẻ còn phải được điều trị dứt hẳn bệnh viêm tai mũi họng. Đặc biệt, khi trẻ bị đau tai, chảy mủ tai thì phải điều trị kịp thời cho hết hẳn bệnh để ngăn chặn vi trùng xâm nhập màng não.
(Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ)