STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Math - toán học) là một trong những lĩnh vực giáo dục hàng đầu trên thế giới và phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tích cực khích lệ các trường học lồng ghép nội dung STEM trong năm học 2017-2018 vào chương trình giáo dục. Trong thời gian ngắn, số lượng trung tâm hoạt động trong lĩnh vực này tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… cũng tăng nhanh.
Ông Trương Minh Châu - Giám đốc đào tạo chương trình học tiếng Anh qua Toán và Khoa học iSMART chia sẻ, một số phụ huynh chưa rõ về STEM, trong khi chương trình này khá thú vị với học sinh, bởi những lý do sau:
STEM có tính liên môn, giúp học sinh có những giờ học vui vẻ
Nhiều người cho rằng giáo dục STEM là thuần học lập trình, lắp ráp robot, học Toán và Tin học, phù hợp với nam giới (do đặc tính chuyên ngành khô khan) và dành cho học sinh cấp II, III hay sinh viên đại học (do kiến thức và kỹ năng phức tạp).
Thực chất, trong cách hiểu chung của thế giới, giáo dục định hướng STEM có nền tảng từ Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học với đa dạng các chủ đề.
STEM không khô khan như nhiều người nghĩ. Tính liên môn và ứng dụng cao trong cuộc sống khiến các môn học này trở nên gần gũi và vui vẻ, giúp học sinh hình thành tư duy phản biện, khả năng sáng tạo hay kỹ năng giải quyết vấn đề.
Vì vậy, giai đoạn dễ định hướng về STEM nhất là lứa tuổi tiểu học, khi trẻ đang làm quen với tư duy trừu tượng. Đặc biệt, khi học STEM bằng tiếng Anh với cách dạy trực quan, sinh động, giàu hình ảnh ngay từ nhỏ sẽ giúp các em xây dựng nền móng khái niệm và từ vựng để trẻ phát triển ở các bậc học cao hơn.
STEM phù hợp với cả nam và nữ
Hiện nay học sinh đang thiếu sự trải nghiệm, nhất là các bé gái thiếu cơ hội tiếp cận những hoạt động liên quan đến STEM vì quan niệm lĩnh vực kỹ thuật thường dành cho con trai. Trong khi đó, đây là lĩnh vực phổ biến, dễ áp dụng, bất kỳ nam hay nữ đều có thể hứng thú nếu các em được hướng dẫn đúng cách.
Trong những năm qua, nhiều trường tiểu học ở Việt Nam đã nỗ lực ứng dụng công nghệ vào học tập, qua việc sử dụng bài giảng số tương tác, lớp học “ngược” với thiết bị nghe - nhìn hiện đại… Năm học 2017-2018, một số trường đã thí điểm đưa trí tuệ nhân tạo vào dạy tiếng Anh qua Toán và Khoa học với phép thử đầu tiên là robot NAO - Top robot thông minh nhất thế giới.
Việc học cùng robot là sự tiếp cận công nghệ mang tính trải nghiệm đầu tiên, là nỗ lực nhỏ nhưng đánh dấu bước ngoặt trong giáo dục 4.0 tại trường công lập.
"Trải nghiệm nhỏ có thể tạo nên ấn tượng lớn, nuôi dưỡng đam mê, ước mơ để những đứa trẻ khám phá lĩnh vực 'khó nhằn' này dù học sinh nhút nhát nhất hay học sinh nữ", ông Châu chia sẻ và cho rằng, các em có thể trò chuyện, giải đố, chơi các trò chơi tiếng Anh, múa hát theo nhạc… cùng robot NAO và cảm thấy hào hứng về nội dung học.
Ngọc Anh