Bộ Y tế cho biết năm 2013, tỷ lệ trẻ được tiêm vắcxin viêm gan B mũi sơ sinh (24 giờ đầu sau sinh) chỉ đạt 56%. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này giảm còn khoảng 20% - mức thấp kỷ lục, trong khi đó số trẻ được tiêm các mũi vắcxin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng lại khá cao.
Nguyên nhân được cho là từ sự cố 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắcxin viêm gan B tại Quảng Trị vào tháng 7/2013, dù sau đó các chuyên gia Bộ Y tế nhận định nguyên nhân không phải do vắcxin, Bộ Công an cũng xác định vì y tá tiêm nhầm thuốc.
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, đánh giá với mức 20% trẻ được tiêm thì "đây thực sự là mối lo". Việt Nam khó có thể khống chế được tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ, kéo theo đó tỷ lệ xơ gan, ung thư gan tiếp tục tăng.
Là một trong những nước chịu gánh nặng bệnh tật do viêm gan B, Việt Nam đã đưa vắcxin viêm gan B vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Năm 2005, tỷ lệ chích ngừa mũi này cho trẻ 24 giờ đầu sau sinh đạt hơn 60%. Tuy nhiên, sau khi 10 bé tử vong hoặc gặp tai biến thì tỷ lệ tiêm giảm xuống chỉ còn 25% vào năm 2008. Đến năm 2009, con số này nhích lên được 40%, năm 2012 đạt 75% và sau đó tiếp tục giảm.
Ngành y tế khuyến cáo để phòng viêm gan B, cách tốt nhất là tiêm đầy đủ 4 mũi cho trẻ, mũi thứ nhất trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Tỷ lệ người mang virus viêm gan B ở nước ta nhiều. Kể cả người mẹ không mắc viêm gan nhưng trẻ có thể bị lây ngang trong quá trình chăm sóc nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Tiêm vắcxin sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B thậm chí sau khi phơi nhiễm virus.
Trẻ dưới 10 tuổi bị nhiễm virus viêm gan B thì 90% trở thành mãn tính. 80% trường hợp ung thư gan và xơ gan liên quan đến viêm gan B mãn tính.
Hà An