Chỉ gần đây, khoa học mới bắt đầu tìm hiểu gốc rễ sinh học của những đứa trẻ thần đồng. Nghiên cứu đã chỉ ra điều mà các nhà khoa học từ lâu vẫn nghi ngờ: Não bộ của những trẻ đặc biệt thông minh hoạt động theo một cách hoàn toàn khác với những trẻ bình thường.
Trong 10 năm trở lại đây, các chuyên gia thần kinh thế giới đã đạt được những bước đột phá trong tìm hiểu hoạt động của chất xám trong não bộ. Với sự hỗ trợ của phương pháp chụp cộng hưởng từ -cho phép đo lưu lượng máu ở những phân thuỳ khác nhau của não bộ - người ta có thể biết khu vực nào đang "đỏ đèn" trong các hoạt động trí tuệ khác nhau.
Một nghiên cứu tiến hành tại Australia trên những thiếu niên có biệt tài về toán học cho thấy hoạt động trao đổi chất ở bán cầu não bên phải của những trẻ này cao hơn 6-7 lần so với ở những trẻ bình thường. Bán cầu bên phải là vùng phụ trách về khả năng nhận biết hình mẫu và không gian - những năng lực then chốt đối với toán học và âm nhạc.
Chụp cộng hưởng từ cũng cho thấy cường độ hoạt động ở vùng trán của những trẻ thông minh tăng cao. Vùng này được coi là đóng vai trò thiết yếu trong điều phối các suy nghĩ và cải thiện khả năng tập trung. Khi thực hiện cùng một nhiệm vụ, những khu vực này hoàn toàn "ngủ yên" ở những trẻ bình thường.
Các nhà khoa học cho rằng thần đồng có khả năng chuyển đổi một cách hiệu quả hoạt động từ bán cầu não trái sang bán cầu não phải, sử dụng những nguồn lực trí tuệ khác và thậm chí còn có thể tắt những vùng tạo ra sự sao nhãng ngẫu nhiên. Nói tóm lại, trong khi về mặt thể chất, não bộ của những trẻ này không khác với những em bình thường, thần đồng có thể tập trung cao độ hơn, huy động được các nguồn lực trí tuệ cần thiết để giải quyết vấn đề. Điều này làm thay đổi hẳn quan niệm trước đó rằng não của những trẻ thần đồng cũng hoạt động như não của bất kỳ ai khác, chỉ có điều chúng làm việc nhiều và nhanh gấp đôi.
Tuy rất nổi trội khi còn nhỏ, đa số thần đồng không trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình. Một số ít tiếp tục toả sáng, một số duy trì được khả năng đặc biệt khi trưởng thành, nhưng không bao giờ đạt được thành tựu như thời trẻ; một số khác bỗng thấy chán tất cả và thay đổi con đường mình đã chọn.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng đa số thần đồng thường tinh thông những lĩnh vực có luật lệ nghiêm ngặt của người lớn, như âm nhạc, cờ và toán học. Để trở thành thiên tài, chỉ vượt trội về một lĩnh vực nào đó chưa đủ, mà còn phải tạo nên những cuộc cách mạng thực sự. Trong khi đó, một số kỹ năng đặc biệt mang tính kỹ thuật phát triển sớm hơn là tất cả những gì thần đồng có. Khi trưởng thành, họ sẽ không còn là người đặc biệt nữa. Các bạn đồng trang lứa có thể đuổi kịp họ.
Các nhà khoa học hiện vẫn bó tay trước câu hỏi: Liệu thần đồng là khả năng trời phú (đột biến gene) hay là sản phẩm giáo dục của gia đình, nhà trường? Theo một nhóm nghiên cứu của Đài Loan, thần đồng một nửa là do trời phú, nửa kia do khổ luyện. Vai trò của cha mẹ là hết sức quan trọng, họ tạo ra môi trường có nhiều kích thích cho con: nhà họ đầy sách vở, họ đọc sách cho con từ tuổi rất nhỏ và cho phép chúng có độ tự lập cao, tài năng của trẻ được kịp thời khuyến khích. Tuy nhiên, đôi khi sự khuyến khích này có thể đi tới mức thái quá, có hại cho trẻ. Thông thường, sau mỗi đứa trẻ thần đồng là những bậc cha mẹ khắt khe, họ bắt con mình dành quá nhiều thời gian cho học hành, luyện tập. Vì sự khác biệt quá lớn, một số trẻ thần đồng không có được tuổi thơ bình thường như các bạn đồng trang lứa.
Theo BS Trần Thu Thuỷ, KH&ĐS