Nghiên cứu được thực hiện tại Ireland, công bố trên Tạp chí Archives of Disease in Childhood, ngày 29/10. Các nhà khoa học cho biết có ít trẻ trong độ tuổi một biết cách vẫy chào tạm biệt, chỉ vào đồ vật và nói được "ít nhất một từ có nghĩa". Mặt khác, các em có thể học bò sớm hơn.
Theo các chuyên gia, những năm đầu đời của trẻ là giai đoạn hình thành khả năng cá nhân. Não bộ các em ghi nhớ, hấp thụ mọi tương tác và trải nghiệm, cả tích cực lẫn tiêu cực để xây dựng kết nối thần kinh, phục vụ chúng trong suốt phần đời còn lại.
"Đối với những trẻ sinh ở thời gian phong tỏa, những năm đầu đời rất khác so với trẻ trước đại dịch", Susan Byrne, nhà thần kinh học nhi khoa tại Đại học Bác sĩ phẫu thuật Hoàng gia ở Ireland, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Để thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia đã yêu cầu cha mẹ của 309 em sinh từ tháng 3 đến tháng 5/2020 báo cáo về khả năng đáp ứng 10 mốc phát triển ở độ tuổi một, bao gồm bò, xếp gạch, chỉ vào các đối tượng... Sau đó, họ so sánh với dữ liệu thu thập được từ 1.600 trẻ sinh trước dịch, từ năm 2008 đến năm 2011 và đánh giá sự phát triển theo thời gian.
Các chuyên gia chỉ ra sự khác biệt giữa hai nhóm. 87% trẻ sinh thời kỳ Covid-19 có khả năng vẫy chào tạm biệt, thấp hơn so với 94% ở trẻ sinh trước dịch. Tương tự, khả năng chỉ tay vào đồ vật xung quanh của hai nhóm lần lượt là 83% và 92%. Kỹ năng nói một từ ngắn gọn, có ý nghĩa của trẻ sinh trước dịch cũng cao hơn 12% so với trẻ sinh vào đại dịch. Tuy nhiên, số trẻ sinh trong dịch có thể bò vào năm một tuổi nhiều hơn số trẻ sinh trước đó.
Dù chưa biết nguyên nhân chính xác, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng trẻ sinh năm 2020 và 2021 ít tiếp xúc với người thân, họ hàng, hầu hết chỉ gặp cha mẹ. Vì vậy, chúng có ít cơ hội để học nói hay tập cách vẫy chào tạm biệt. Vì hạn chế di chuyển, trẻ sơ sinh hiếm khi nhìn thấy những đồ vật bên ngoài căn hộ của gia đình.
Ngược lại, chúng học được cách bò sớm vì dành nhiều thời gian chơi trên sàn, thay vì ngồi trong xe ô tô hoặc xe đẩy.
Chi Lam, một trong những tình nguyện viên của nghiên cứu đã chia sẻ câu chuyện của mình. Người phụ nữ 33 tuổi có con đầu lòng là Adriana vào tháng 4/2020, khi nước Anh rơi vào tình trạng phong tỏa. Hầu hết người dân không được phép rời khỏi nhà mà không có lý do chính đáng. Bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng của cô cũng kẹt lại Hong Kong, không thể đến thăm vì quy định hạn chế toàn cầu.
Kết quả, trong vài tháng đầu tiên của cuộc đời, Adriana chỉ được tiếp xúc với bố mẹ. Cô bé không được gặp ông bà, họ hàng hay những đứa trẻ khác cho đến năm một tuổi.
Lam cho rằng quy định phong tỏa kéo dài đã ảnh hưởng đến con gái mình. Trong đợt kiểm tra sức khỏe, bác sĩ cho biết con cô có kỹ năng vận động thô yếu, khiến toàn cơ thể bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tiến sĩ Byrne cho rằng các bậc cha mẹ không cần quá lo lắng. Theo bà và các đồng nghiệp, thực tế, trẻ sơ sinh rất kiên nhẫn và ham học hỏi, có thể bắt kịp những em sinh ra trước đại dịch nếu được hỗ trợ đúng cách.
Vì Covid-19 chưa hoàn toàn kết thúc, các chuyên gia nhận định họ sẽ mất nhiều năm để nghiên cứu đầy đủ về tác động của nó đến trẻ em.
Thục Linh (Theo Washington Post)