![]() |
Nhiều người tin rằng, năm sinh ảnh hưởng đến số phận của bé. Ảnh: Cfreport. |
Thạc sĩ Phùng Đức Tùng thuộc Vụ Xã hội môi trường, Tổng cục thống kê và tiến sĩ Đỗ Quý Toàn thuộc Ngân hàng thế giới vừa hoàn thành một nghiên cứu về việc chọn năm sinh cho con và ảnh hưởng của năm sinh đến sự phát triển con người.
Nghiên cứu dựa trên hai cuộc điều tra mức sống dân cư năm 1993 và 1998 của Tổng cục Thống kê, với các thông tin về ngày tháng năm sinh, trình độ giáo dục, nghề nghiệp, đo lường sức khoẻ (cân nặng và chiều cao) của gần 22.700 trẻ em sinh từ năm 1976 đến năm 1996 tính theo năm âm lịch, được chọn ngẫu nhiên trong cả nước.
Theo thạc sĩ Phùng Đức Tùng, người Việt Nam và một số nước Á Đông khác tin vào ảnh hưởng của ngày tháng năm sinh đối với cuộc đời, số phận con người. Dân gian có câu: "Trai Đinh, Nhâm, Quý, Giáp thì tài/ Gái Đinh, Nhâm, Quý phải hai lần đò” hoặc "Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/ Tôi nay cực khổ bùi ngùi tuổi Thân”. Những năm gần đây có hiện tượng bùng nổ sinh con vào những năm tốt. Nhiều cặp vợ chồng còn chọn giờ sinh cho con bằng mổ đẻ.
Các nhà khoa học đã đặt ra vấn đề: Hiện tượng chọn năm để sinh con nếu có thì phổ biến đến mức độ nào? Liệu những đứa trẻ sinh vào các năm được cho là tốt có thực sự phát triển tốt hơn trẻ sinh năm khác về giáo dục và sức khoẻ?
Nghiên cứu trên cho thấy, ở Việt Nam, cha mẹ có xu hướng rõ rệt là chọn năm tốt để sinh con. Ở những năm được cho là tốt, số trẻ em sinh ra cao hơn 7% so với mức sinh trung bình của giai đoạn này. Kết quả này cũng phù hợp với một nghiên cứu năm 2002 về số trẻ em sinh ra trong năm Rồng (1988 và 2000) ở Hong Kong, với tỷ lệ gia tăng 6,7-8% so với mức sinh trung bình.
Theo ông Phùng Đức Tùng, hiện tượng chọn năm tốt để sinh con xuất hiện cả ở khu vực thành thị và vực nông thôn Việt Nam.
Cũng theo nghiên cứu trên, những trẻ sinh năm tốt có chỉ số phát triển con người cao hơn rõ rệt so với trẻ sinh vào các năm khác. Cụ thể, số năm đi học cao hơn khoảng 10%; chỉ số đo lường sức khoẻ cũng cao hơn.
Tại sao năm tốt lại tốt hơn?
Để giải thích hiện tượng trên, các tác giả đã đặt ra hai giả thiết.
Thứ nhất, những cặp vợ chồng có xu hướng và khả năng chọn năm tốt để sinh con có thể đầu tư được nhiều hơn về y tế và giáo dục cho con em mình, hoặc sinh ít hơn nên có điều kiện để đầu tư cho sự phát triển của trẻ. Họ cũng có khả năng cung cấp một môi trường phát triển tốt hơn cho con cái so với các cặp vợ chồng khác.
Nghiên cứu cho thấy, những cặp vợ chồng chọn năm sinh cho con thường trẻ tuổi. Ở các bà mẹ, trình độ giáo dục càng cao thì càng có xu hướng hay chọn năm sinh cho con; ở các ông bố thì ngược lại. Theo thạc sĩ Tùng, điều này phản ánh đúng xu hướng là phụ nữ thường tin vào tử vi nhiều hơn so với nam giới. Theo nghiên cứu này, lòng tin vào tử vi không phụ thuộc vào cặp vợ chồng đó là giàu hay nghèo.
Để kiểm định giả thiết này, các nhà nghiên cứu đã so sánh những trẻ sinh năm tốt với anh chị em ruột. Kết quả là chúng vẫn có sự phát triển con người tốt hơn (về giáo dục và sức khoẻ). Như vậy, sự khác biệt giữa các hộ gia đình không phải là yếu tố quyết định để lý giải sự khác biệt về phát triển con người giữa trẻ sinh năm tốt và trẻ sinh năm khác.
Giả thiết thứ hai: Sự khác biệt là do tác động của năm tốt (yếu tố tử vi) hoặc do cha mẹ tin rằng trẻ sinh năm tốt sẽ có khả năng bẩm sinh tốt hơn nên đã đầu tư nhiều hơn. Họ chuẩn bị kỹ kế hoạch sinh con, tài chính, kiến thức chăm sóc và cả yếu tố về tâm lí để sẵn sàng nuôi đứa trẻ trong điều kiện tốt. Mặt khác, trẻ sinh năm tốt được khích lệ, có thể tự tin hơn và điều này tác động tốt đến sự phát triển.
Vậy tác động tốt trên là do tử vi hay do nuôi dưỡng? Các nhà khoa học đã so sánh những trẻ sinh năm tốt nhưng không hợp với giới tính của mình và nhận thấy chúng vẫn phát triển tốt hơn trẻ sinh năm thường. Sau đó, họ lại so sánh những trẻ gái sinh vào năm tốt cho gái và những trẻ gái sinh vào năm chỉ tốt cho trai. Kết quả, những em sinh vào năm chỉ tốt cho trai vẫn có sự phát triển cao hơn so với trẻ sinh vào năm tốt cho gái (có thể vì bố mẹ thường chỉ chọn năm tốt cho con trai).
Do đó, các tác giả cho rằng, sự khác biệt về phát triển giữa trẻ sinh năm tốt và trẻ sinh năm khác chủ yếu là do nuôi dưỡng chứ không phải là do tử vi tạo ra.
H.H.