Trong báo cáo của Chính phủ vừa gửi Quốc hội về nội dung trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông tin về chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do Covid-19.
Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã hướng dẫn triển khai biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch tại các tỉnh, thành phố, trong đó đẩy nhanh việc lập danh sách, nguyện vọng của trẻ, người chăm sóc trẻ. Trẻ em mồ côi được đảm bảo sống trong môi trường gia đình, ưu tiên sống cùng người thân, được nhận con nuôi. Việc chuyển đến cơ sở bảo trợ xã hội là biện pháp cuối cùng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giải thích việc trẻ mồ côi do Covid-19 được chăm sóc bởi người thân, sống trong môi trường gia đình sẽ bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ, hạn chế gián đoạn học tập, sinh hoạt hàng ngày. Hiện, các em đa phần được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi gia đình họ hàng, thân thích và đỡ đầu bởi các cá nhân, tổ chức.
Ngoài ra, Bộ Lao động đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức quốc tế triển khai chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về tác động của dịch bệnh đến phụ nữ và trẻ em.
Những cơ quan này cũng đẩy mạnh truyền thông về kỹ năng chăm sóc trẻ mồ côi nhất là về sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội; phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, giải đáp chính sách hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; kết nối các dịch vụ trợ giúp pháp lý để quyền, lợi ích của trẻ em không bị xâm hại do các em không có sự giám hộ của cha, mẹ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho biết sẽ nghiên cứu xây dựng, sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan chăm sóc bảo vệ trẻ trong tình trạng khẩn cấp, như thiên tai, dịch bệnh; tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành chính sách, giải pháp chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em di cư, trẻ em phải tách khỏi gia đình do bị bạo lực, xâm hại.
Thời gian tới, Bộ Lao động sẽ nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu; tăng cường theo dõi tình hình trẻ em, đặc biệt trẻ bị xâm hại, tai nạn, thương tích; liên thông cơ sở dữ liệu trẻ em với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Ngoài ra, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã phối hợp hình thành mạng lưới chuyên gia về tâm lý, tình nguyện sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ bị sang chấn tâm lý trong và sau Covid-19.
Tổng đài 111 đã tiếp nhận, tư vấn 1.110 ca liên quan đến Covid-19; can thiệp hỗ trợ 35 ca trẻ em liên quan đến dịch Covid-19 và 935 ca liên quan đến trẻ em bị bạo lực.
Theo quy định hiện nay, trẻ em là con của sản phụ mắc Covid-19 được hỗ trợ một triệu đồng; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ nhận hỗ trợ 5 triệu đồng; trẻ em mồ côi cả cha và mẹ do Covid-19 được hỗ trợ sổ tiết kiệm với định mức 20 triệu đồng. Đây là các khoản hỗ trợ từ nguồn vận động xã hội của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Thống kê của các Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đến tháng 2/2022 cả nước có 4.335 trẻ em mồ côi do Covid-19. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với các tỉnh, thành phố hỗ trợ 3.695 trẻ em với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Trong đó, 3.303 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 603 bé sơ sinh là con của sản phụ mắc Covid-19; 59 trẻ mồ côi cả cha và mẹ. Một số địa phương có nhiều trẻ được hỗ trợ là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Long An, Đồng Tháp.