Người gửi: Thanh Hang
Tôi có một cháu trai năm nay 8 tuổi và bắt đầu lên lớp 3. Mỗi lần thi học kỳ, tôi lại được các cô giáo chủ nhiệm căn dặn rất kỹ lưỡng rằng: Có 3 bài thi làm văn đã được lên "khung" sẵn, phụ huynh cần lưu ý cho cháu học thuộc lòng cả ba bài thi ấy để khi thi làm bài cho tốt.
Lúc đầu tôi không hiểu ý cô, nên hỏi đi hỏi lại xem tại sao lại phải học thuộc lòng, sau đó mới vỡ lẽ ra rằng các cô muốn có thành tích cao nên đã làm sẵn bài thi trước và cho các cháu học tủ để khi thi sẽ đạt điểm theo tiêu chuẩn của nhà trường dành cho những giáo viên dạy giỏi.
Tôi thấy ớn lạnh, vì ngày xưa, khi còn nhỏ, chưa bao giờ lại phải học tủ như trẻ em bây giờ. Như vậy, phần lớn kiến thức cuối năm học lại là kiến thức tủ. Trẻ không hiểu làm một bài văn cần phải có những kỹ năng gì và cách đặt câu như thế nào cho đúng. Điều duy nhất chúng phải làm là chỉ cần học vẹt theo một khuôn đã có sẵn và áp vào bài làm làm sao cho thật thuộc. Như vậy, kiến thức hiện tại là rỗng tuếch.
Tôi thực sự không hiểu con mình sẽ lớn lên như thế nào trong một tình trạng học tủ như vậy? Không hiểu việc cải cách trong giáo dục có tạo áp lực quá nhiều cho các thầy cô để học trò phải chịu đựng một khoảng rống học vấn của nhiều như vậy.
Con tôi đang sống trong môi trường thành thị, còn những trẻ em khác ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh và vùng miền núi, mỗi ngày đi học là một ngày trèo đèo lội suối thì sao? Áp lực về không gian cùng với áp lực của việc học tủ liệu có thể cải cách được khoảng cách ngày một xa giữa nông thôn và thành thị, miền núi về mọi phương diện hay không?
Ngày xưa, bác Hồ có nói toàn dân diệt dốt, nhưng ngày nay, có các thầy cô giáo nhiệt thành dạy dỗ nhưng ở một vài trường vùng sâu vùng xa có những lớp học, học sinh lớp 5 vẫn mù chữ? Đây có phải là thành quả của việc cải cách và của bệnh thành tích hay không?
Tôi thấy rất bức xúc về vấn đề này. Ngày xưa, việc thi trượt tốt nghiệp không thể nhiều như bây giờ. Việc cải cách và bệnh thành tích đã khiến cả chục nghìn học sinh Hà Tây không thể vượt qua được cửa ải cuối cùng của cả quá trình tích lũy học vấn 10 năm trời. Vậy những em này sẽ làm gì và đi đâu trong khi những kiến thức phổ cập cũng chưa có đầy đủ? Tệ nạn xã hội có thể sẽ gia tăng vì sự thiếu hiểu biết.
Vì thiếu năng lực, vì bệnh thành tích của thầy cô, vì điều kiện học tập, vì hoàn cảnh gia đình, vì thiếu thời gian học tập, hay chính vì sự cải cách quá hoành tráng của ngành giáo dục mà các em khó lòng theo kịp? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh sau đó? Gia đình, nhà trường, xã hội hay ngành giáo dục?
Cải cách là một con dao hai lưỡi. Nó có ý nghĩa rất lớn nếu đem lại lợi ích cho chính những con người được hưởng lợi. Ngược lại, nó cũng sẽ gây rất bất lợi cho họ nếu sự cải cách qua cứng nhắc và đi ngược lại với khả năng cũng như điều kiện sẵn có của đại đa số người được hưởng lợi.
Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai và số phận của nhiều con người làm ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước và xã hội sau này.