Một sáng tháng 11, khi Hồ Trúc Phương (quận Tân Bình, TP HCM) đang quét nhà, mẹ em - chị Thái Thị Hạnh (45 tuổi) lúi húi mở Google Meet trên chiếc điện thoại cũ. Giữa căn nhà lọt thỏm trong hẻm, góc học tập của Phương là chiếc bàn đặt ở nơi ít ỏi còn trống, giữa những thùng hàng tạp hóa.
Nghe tiếng cô giáo gần như cùng lúc với tiếng mẹ nhắc vào lớp, Phương kéo dài tiếng "Ạ", lao vào bếp cất chổi, rồi ngồi bệt dưới sàn, rạng rỡ khi nhìn thấy cô.
Phương là một trong 14 học sinh lớp 1A4, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập quận Tân Bình. Cô bé mắc hội chứng Down mức độ nặng. Ba tháng nay, mỗi ngày Phương và các bạn được học online 30 phút vào buổi sáng.

Hồ Trúc Phương học bài bên chiếc bàn xếp đặt trên sàn nhà, giữa những thùng chứa hàng cho quầy tạp hóa nhỏ của mẹ, sáng 1/11. Ảnh: Mạnh Tùng
Đầu buổi học, cô giáo Bùi Thuý Nga điểm danh. Nhiều em "dạ", "có" khi cô gọi tên, một số không nói được, chỉ giơ tay. Tiếp đó, cô cho lớp tập thể dục nhịp điệu. Phương nhảy rất đúng nhạc, vừa nhảy vừa cười, thỉnh thoảng xấu hổ sà vào lòng mẹ.
Trong buổi học với chủ đề "Kỹ năng lau nhà", cô giáo giới thiệu những dụng cụ cần thiết, gồm xô nước, cây chổi. Tiếp đó, cô yêu cầu từng em tìm đồ vật này, mang ra bàn học rồi cùng thực hành. Học sinh lớp 1A4 hào hứng, cùng nhau nhúng nước, vắt khô, lau sàn. Tiếng cười nói vang lên từ điện thoại.
Nội dung học còn bao gồm tìm số, tìm chữ, chơi trò "Ai tinh mắt" để đoán đồ vật; ôn lại chữ cái "A", "B", "C" hay số đếm 1-5.
Suốt buổi học, chị Hạnh ngồi bên con, thỉnh thoảng giúp bé thao tác trên điện thoại. Chị kể, trước đây Phương chỉ nói được từng tiếng một như "ba", "mẹ" thì nay có thể nói được hai tiếng, ba tiếng, dù ngọng. "Từ đầu năm đến nay, con tiến bộ rõ rệt, biết gấp chăn màn, quét nhà, rửa chén phụ mẹ. Những tiết học online thời gian này thực sự quý giá, vì con được tiếp xúc với cô giáo, các bạn".
Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập quận Tân Bình, 150 học sinh được chia thành 19 lớp, học online mỗi ngày. Các em 5-18 tuổi, đa số khuyết tật trí tuệ, tự kỷ.
Cô Hà Thanh Vân, Giám đốc trung tâm cho biết, yêu cầu cao nhất của các tiết học trực tuyến là tăng cường giao tiếp, tương tác giữa cô và trò, giữa các em với nhau. Do khả năng tập trung của học sinh không cao, tiết học được thiết kế ngắn, gọn. Buổi chiều, giáo viên có thể đến nhà một số em để kèm riêng.
"Mục tiêu của chúng tôi là giúp các em tự chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình, tốt hơn thì có thể kiếm được một nghề đơn giản để nuôi sống bản thân. Nói ngắn gọn, giúp các em sống có ý nghĩa", cô Vân chia sẻ.
TP HCM hiện có 2.665 học sinh khuyết tật, học tại 17 trường chuyên biệt và 12 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Ngoài ra, gần 8.000 em khác đang học hòa nhập tại 725 trường từ mầm non đến trung học phổ thông (học chung với học sinh bình thường). Tất cả trường, trung tâm đều dạy online từ đầu năm đến nay.

Trúc Phương học cách lau nhà. Cô bé đã tự biết pha nước lau sàn, nhúng ướt cây lau và vắt khô. Ảnh: Mạnh Tùng
So với học sinh khuyết tật trí tuệ, trẻ khiếm thị hoặc khiếm thính tiếp cận việc học trực tuyến dễ hơn phần nào.
Ở Hà Nội, Lê Huy Hoàng, lớp 8A2, trường Phổ thông Cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, thường dậy lúc 7h, vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng để kịp học trực tuyến từ 7h45. Hàng ngày, Hoàng học 7-9 tiết online, trong đó 5 tiết chính khóa, còn lại là phụ đạo vào buổi chiều.
Hoàng khiếm thị, đang học hòa nhập cùng những bạn bình thường. Ngoài Hoàng, lớp 8A2 còn 12 bạn khiếm thị khác, đông nhất cả trường. Vốn quen sử dụng sách giáo khoa chữ nổi nhưng năm nay Hoàng chưa nhận được đủ nguồn học liệu cần thiết. Em phải dùng các ứng dụng đọc sách giáo khoa trên điện thoại. Nhờ phần mềm đọc dành riêng cho người khiếm thị cài vào laptop, Hoàng có thể tự thao tác học trực tuyến và nghe sách.
Với những môn tự nhiên, nhiều hình vẽ như Vật lý hay Toán hình, em rất chật vật vì thiếu học liệu là các bộ vẽ hình. "Tượng tượng cũng có thể hình dung ra nhưng sờ trực quan vẫn dễ hơn", Hoàng nói.
Nếu như học trực tiếp, Hoàng có thể tham gia lớp nhạc từ 19 đến 20h thì từ khi dừng đến trường, hoạt động này phải gác lại. Thú vui giải trí gần như duy nhất của em là gọi điện, nhắn tin với bạn bè. "Mong muốn duy nhất của em là được đến trường", Hoàng chia sẻ.
Trường Nguyễn Đình Chiểu có 1.642 học sinh, trong đó 184 em khiếm thị. Học sinh khuyết tật được chia về 9 khối lớp để học hòa nhập theo chương trình chuẩn. Ngoài ra, trường có hai lớp học chuyên biệt.
Theo Hiệu phó Trần Thị Phương Lan, học sinh khiếm thị rất cần các bài tập tiếp xúc tri giác trực tiếp với học liệu. Giờ mọi thứ chuyển sang trực tuyến, các em bị ảnh hưởng tinh thần và kiến thức nặng nề. Những môn học thiên về sở thích hoặc nhằm trang bị kỹ năng nghề nghiệp như đàn, hát hoặc tẩm quất, massage... không triển khai được, ảnh hưởng đến kỹ năng nghề nghiệp của các em khi ra trường.
Với những học sinh nhỏ tuổi hoặc khuyết tật dạng nặng, những giờ học dạy cách đi đứng, định hướng di chuyển hay vệ sinh cá nhân không thể diễn ra. Để khắc phục, trường học phải tập huấn cho phụ huynh để bố mẹ hỗ trợ lại các em.
Học trực tuyến với học sinh bình thường đã khó khăn, với học sinh khuyết tật càng gian nan hơn. Hầu hết phụ huynh phải đồng hành cùng con.
Chị Đàm Thị Thúy Phương, mẹ của Minh Hiền - nữ sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu - cảm thấy con gái mình vẫn may mắn hơn nhiều bạn khi được học trực tuyến đầy đủ. Thời gian đầu, chị và người thân phải hỗ trợ Hiền, sau đó em mới có thể tự làm.
Theo chị Phương, khó khăn lớn nhất là thời điểm trả bài hoặc làm bài kiểm tra. Ở trên lớp, Hiền và các bạn khiếm thị sẽ nhận đề chữ nổi, nhưng việc này không thể thực hiện khi học trực tuyến. Do đó, chị Phương phải ngồi cạnh, đọc đề cho con gái nghe để em đưa ra đáp án.
Hôm nào bận đi làm, người mẹ giao nhiệm vụ cho con gái lớn hỗ trợ em. Khi Hiền hoàn thành bài bằng chữ nổi, chị gái sẽ giúp em viết lại theo chữ thường rồi chụp gửi cho cô giáo. Đôi khi, Hiền sẽ trả bài bằng cách ghi âm.

Sách chữ nổi môn Toán lớp 6, được giáo viên trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội dịch từ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Thanh Hằng
Từ năm 1992, 3/12 được chọn làm ngày Quốc tế người khuyết tật. Sự kiện nhằm khuyến khích sự tham gia đầy đủ, bình đẳng, phát triển của người khuyết tật trong mọi mặt xã hội.
Ở Việt Nam, trong khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ hai tuổi trở lên, có 663.000 trẻ 2-17 tuổi, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Năm 2020, cả nước có hơn 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và hơn 100 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Báo cáo cuối năm học 2019-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, có khoảng 600.000 học sinh học hòa nhập và 12.000 trẻ khuyết tật học chuyên biệt.
Đây là hai nhóm trẻ gặp nhiều khó khăn nhất trong việc tiếp cận giáo dục giữa đại dịch.
Mạnh Tùng - Thanh Hằng