Với sự tham gia của 1.000 người, Tọa đàm nằm trong chương trình "Việt Nam ước mong", chuỗi hoạt động vì trẻ em yếu thế do chương trình Ông Mặt trời, quỹ Hy vọng, Đại học Ngoại thương và Truyền hình Quốc hội đồng tổ chức.
Với sự chủ trì của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, toạ đàm diễn ra vào sáng 19/2 tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu không chỉ chia sẻ những câu chuyện vượt nghịch cảnh của người khuyết tật mà còn truyền cảm hứng, gợi mở những "chìa khoá" để trẻ yếu thế có thể tin vào bản thân và khám phá năng lực tiềm ẩn.
Mở đầu toạ đàm là phần trình diễn hoà tấu "Chung một niềm tin" của các bạn học sinh tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Theo hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Mai, trong 11 bạn nhỏ khiếm thị biểu diễn trên sân khấu, có 3 học sinh là thủ khoa của Nhạc viện Quốc gia Việt Nam. Thành tích của các em không chỉ thể hiện nỗ lực vượt khó khăn, đồng thời, còn minh chứng cho sự ưu việt của mô hình học hoà nhập và khả năng khẳng định mình của trẻ khiếm thị.
Sau hoà tấu, những câu chuyện truyền cảm hứng vượt qua nghịch cảnh được tiếp nối bởi cuộc trò chuyện của cô Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cùng ba cựu học sinh tiêu biểu của trường là hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Vân; chị Đào Thu Hương, cán bộ về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam tại UNDP Việt Nam; MC Hương Giang, nữ MC khiếm thị đầu tiên lên sóng VTV.
Biến khiếm khuyết thành sức mạnh
Trước câu hỏi về thử thách của trẻ khiếm thị trong môi trường hoà nhập, theo anh Khúc Hải Vân, khó khăn thường đến từ cảm giác sợ hãi, mất an toàn khi phải đối diện với những thay đổi từ không gian, bè bạn hay cách thức học tập.
Thử thách còn đến từ việc thiếu thốn tài liệu học tập, giáo cụ trực quan cho học sinh khiếm thị. Trong ký ức của MC Hương Giang, các thầy cô trường Nguyễn Đình Chiểu đã uốn những thanh thép thành mô hình hay dán từng hạt cườm vào mô hình để học sinh khiếm thị dễ dàng học tập hơn."Có thể có những thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng khi tình yêu luôn tràn đầy sẽ là cơ hội tuyệt vời để chúng em có thể phát triển", Giang xúc động.
Ngoài ra, khó khăn cũng đến từ sự hoài nghi của những người xung quanh về khả năng của trẻ khuyết tật. Bộ phim "Bóng nắng sân trường" của đạo diễn Nguyễn Đình Quyền về diễn giả Đào Thu Hương đã khắc hoạ rõ nét quãng thời gian dài trẻ khiếm thị phải chứng minh năng lực để học hoà nhập như các bạn mắt sáng.
Tuy nhiên, không đầu hàng số phận, ba diễn giả luôn có cách thức riêng để vượt qua khó khăn. Họ đều lựa chọn con đường học tập để chứng minh bản thân và lan toả tinh thần cố gắng không ngừng mỗi ngày tới các em học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và trẻ khuyết tật nói chung.
"10 tháng ở Nhật học về kỹ năng lãnh đạo cho người khuyết tật giúp tôi trải nghiệm mô hình giáo dục đặc biệt, giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật. Đồng thời, người khiếm thị có thể tham gia các hoạt động như trượt tuyết, leo núi, đi xem đạp đôi", chị Hương chia sẻ. Điều này cũng thôi thúc chị nghiên cứu việc áp dụng các mô hình này tại Việt Nam để trẻ em khuyết tật có nhiều hơn cơ hội trải nghiệm hoạt động và khám phá được điểm mạnh của bản thân.
Còn với hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Vân, thay vì tự ti, ủ dột anh biến sự tò mò của mọi người với đôi mắt của mình thành điểm mạnh. Theo anh Vân, người khuyết tật có thể bị coi là nhóm người yếu thế nhưng không được để bản thân rơi vào thế yếu. Để biến khuyết điểm thành điểm mạnh cần có sự tự tin. "Điều này được rèn luyện thông qua việc nghiêm túc với quyết định, nghiêm khắc với bản thân và nghiêm chỉnh với bạn bè", anh Vân thông tin thêm.
Đồng quan điểm, chị Đào Thu Hương cho biết, các bạn trẻ khuyết tật cần chấp nhận cái nhìn khác biệt nhưng biết chứng minh năng lực. "Không thể đòi hỏi mọi người công nhận ngay lập tức khả năng của nguời khuyết tật vì khả năng ở dạng tiềm ẩn còn khiếm khuyết dễ nhận thấy. Hãy để thời gian chứng minh năng lực", chị Hương chia sẻ.
Chung tay vì trẻ khuyết tật
Tuy nhiên, trên hành trình biến điểm yếu thành điểm mạnh để khai phá các khả năng, trẻ khiếm thị không đi một mình. Đồng hành cùng các em là sự chung tay của cộng đồng, nhà trường, xã hội.
Thông qua toạ đàm, cô Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu khẳng định môi trường giáo dục hoà nhập có nhiều đặc điểm ưu việt giúp trẻ khuyết tật trang bị kiến thức, kỹ năng bước vào cuộc sống độc lập, tự tin. Nhưng để hoà nhập tốt, cô Phương Lan đánh giá cao sự nỗ lực nội tại của các bạn học sinh.
Còn với bố mẹ có con khuyết tật, cô Lan cho rằng, cha mẹ cần đồng hành cùng con vì họ là những người hiểu rõ nhất trẻ cần gì, gặp khó ở đâu và có sức mạnh tiềm ẩn như thế nào.
Trong 30 phút cuối của chương trình, thiền sư Thích Minh Niệm cũng truyền đi nhiều bài học về việc chấp nhận khiếm khuyết với các bạn nhỏ khuyết tật và các vị phụ huynh. Theo thiền sư, không ai trong cuộc sống sinh ra hoàn hảo, vì vậy, việc chấp nhận những khiếm khuyết và phát huy điểm mạnh khác giúp mọi người có thể khám phá các khả năng tiềm ẩn.
Thay vì đau khổ hay chạy theo định kiến của xã hội, mỗi cha mẹ hãy coi con cái là một món quà đặc biệt, quý giá để đồng hành cùng con. "Có người khuyết tật về mắt nhưng đẹp trong tâm hồn. Cái đẹp trong tâm hồn mới quyết định giá trị của con người trên hành tinh này", thầy Minh Niệm chia sẻ.
Được truyền cảm hứng thông qua toạ đàm, nhiều em học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu cũng mạnh dạn ghi vào "Hộp ước mơ" những mong muốn của riêng mình. Trong "Hộp ước mơ", các em khiếm thị mong muốn được làm nhiều nghề như kỹ sư, giáo viên, nghệ sĩ hay đơn giản là được trải nghiệm những thử thách lần đầu trong đời như đi du lịch một mình hay tự tin sử dụng phương tiện công cộng...
Em Nguyễn Vũ Châu Giang, lớp 7A2 trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu lần đầu bật mí mong muốn được làm giáo viên dạy tiếng Anh với gia đình vì hâm mộ chị Đào Thu Hương. Lắng nghe chia sẻ của con, bố của Châu Giang bày tỏ niềm vui khi con được theo học trong môi trường hoà nhập và mong con cố gắng phấn đấu.
Khép lại toạ đàm, chương trình "Việt Nam ước mong" cũng trao nhiều phần quà đến các em nhỏ có thành tích tiêu biểu tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Đây không chỉ là món quà tinh thần mà còn là nguồn động viên các bạn học sinh khuyết tật có thể mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống để đối diện với thử thách và khẳng định mình.
Cũng tại sự kiện, ông Đỗ Mạnh Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, hiện, trên cả nước có 7,8 triệu người khuyết tật, trong đó có 1/3 là trẻ em,phải đối mặt với điều kiện học tập và chăm sóc còn nhiều hạn chế. Các hoạt động như toạ đàm "Tự tin cất cánh ước mơ" nói riêng và "Việt Nam ước mong" nói chung góp phần lan toả tiếng nói và phần nào xoá bỏ định kiến xã hội với trẻ khuyết tật.
Khởi động từ ngày 22/7/2022, chương trình Việt Nam ước mong đã tổ chức chuỗi triển lãm tranh, lễ cầu siêu, tọa đàm... xoay quanh chủ đề trẻ em yếu thế tại chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Ngộ ở TP HCM và chùa Quán Sứ ở Hà Nội. Sau hơn một tháng, chương trình thu hút sự hơn 20.000 người đến dự. Trên các nền tảng phát trực tiếp, ban tổ chức ghi nhận gần 500.000 lượt xem.
Chương trình Việt Nam ước mong mong muốn tạo nên một không gian sẻ chia ước mơ, tâm tư, tình cảm của trẻ khuyết tật, mồ côi, mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Thông qua các hoạt động của chương trình, Việt Nam ước mong mong muốn tiếng nói của trẻ em được tôn trọng; các em được yêu thương, tạo điều kiện nhiều hơn, tạo động lực để các em nhỏ còn chịu nhiều thiệt thòi, các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt sẽ luôn tự tin thể hiện bản thân, thực hiện ước mơ, hoài bão bằng tài năng riêng và có đóng góp hữu ích cho xã hội.
Hồng Thảo