Tôi cho cháu tham gia vì những mặt tích cực mà một cuộc thi mang lại: cháu được làm quen với áp lực, với trách nhiệm. Ngày bé, Nếp rất hay theo mẹ đi diễn và luôn tự tin khi đứng trên sân khấu, khi xung quanh là mẹ, là các cô chú quen biết. Nhưng lần đầu tiên tôi thấy Nếp khóc khi chuẩn bị bước lên sân khấu, là ở vòng loại một cuộc thi. Khóc xong rồi, vẫn phải bước lên sân khấu một mình để hát. Những cuộc thi cho con tôi sự trưởng thành và mong muốn phấn đấu. Cháu từ chỗ không bao giờ chịu học hát, giờ cũng quanh quẩn khi mẹ dạy cho các anh chị, để “học lỏm”.
Nhưng mọi thứ đều có hai mặt. Sau những năm sống trong showbiz và đào tạo nghệ thuật, tôi hiểu một cuộc thi có thể gây tổn thương với trẻ nhỏ thế nào. Mạng xã hội cho phép thị phi lên ngôi. Những đứa trẻ thi với nhau, đám đông ở ngoài bàn luận, có thể vì thích đứa này mà nói những lời không hay về đứa kia. Mà bọn trẻ chẳng tội tình gì.
Tôi giấu Nếp mãi, cuối cùng phải ngồi xuống để trò chuyện cùng con. Tôi phân tích cho cháu các thử thách sắp phải đối mặt nếu xuất hiện trên truyền hình. Nhưng Nếp trả lời tôi: “Chả sao, vì những người nói mất lịch sự con sẽ không nghe, không đọc nữa”.
Tôi để Nếp đi thi. Tôi nhận ra cháu có sự an nhiên mà mình không có được. Tôi không thể nhân danh cái quyền vì mẹ yêu con, thương con mà ngăn cấm.
Chuyện này xảy ra cùng thời điểm với việc tôi đọc được tin, ở Trung Quốc, các nhà quản lý đã cấm phát sóng chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế” vì cho rằng “các show truyền hình thực tế cần bảo vệ người vị thành niên, cố gắng hạn chế trẻ nhỏ tham gia” và không nên tạo ra “quan điểm lệch lạc về sự nổi tiếng”. Thông tin này gây ra khá nhiều tranh luận tại Việt Nam, người ủng hộ, người phản đối.
Giới chức Trung Quốc cũng có cái lý của họ, vì “Bố ơi mình đi đâu thế”, một chương trình mà các ông bố nổi tiếng xuất hiện cùng con, sẽ tạo ra sự nổi tiếng rất nhanh cho những đứa trẻ. Nhưng tôi có quan điểm riêng trong chuyện này.
Tôi, với công việc của mình, cũng đã chứng kiến những đứa trẻ bị làm “hỏng” vì sự nổi tiếng có được sau các chương trình truyền hình mà chúng tham gia. Nhưng đại đa số là bởi chính cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng cũng mắc bệnh ngôi sao, thì trẻ con sẽ ảo tưởng về mình. Còn nếu trước sự nổi tiếng đó, các phụ huynh biết nói với con rằng, dù con có chút ít tài năng, nhưng cuộc sống ngoài kia còn rất nhiều khó khăn thử thách, thì chúng sẽ hiểu vị trí của mình. Trẻ con không tự hư được.
Trong chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế”, những đứa trẻ rất khó bị làm hại bởi sự nổi tiếng. Phụ huynh của chúng là những người nổi tiếng. Họ có kinh nghiệm, có kiến thức đã trả bằng xương máu về sự nổi tiếng, họ có cả điều kiện vật chất để bảo vệ con mình: họ không phải là những ông bố bà mẹ ép con lao vào showbiz vì những khoản thù lao. Cho con tham gia một chương trình, họ là người lường được trước nhất, về những gì có thể xảy ra.
Với tư cách một người mẹ, tôi nghĩ bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có nhu cầu con mình “được nhiều người yêu mến”. Vì tôi luôn thấy con tôi rất đáng yêu, muốn được chia sẻ điều đó. Nhu cầu “khoe con” như là một bản năng vậy. Và nếu có ai đó muốn con mình xuất hiện trên truyền hình cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng như trong chuyện của Nếp, tôi hiểu rằng cái gì cũng có hai mặt. Và số phận của một đứa trẻ ra sao sau một chương trình truyền hình, là lựa chọn của người giám hộ.
Rộng hơn, số phận của một con người ra sao sau khi “nổi tiếng qua một đêm”, cũng là lựa chọn của họ.
Thái Thùy Linh