Tại Hội thảo Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học, sáng 11/3 tại Hà Nội, ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định hiện nay, phụ huynh cho con em sử dụng hoặc sở hữu thiết bị di động từ rất sớm.
Dẫn lại kết quả khảo sát mà Google thực hiện năm 2022, ông Khoa cho biết độ tuổi trung bình mà trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9, còn trên thế giới là 13. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy khoảng 13 tuổi, trẻ mới bắt đầu tiếp cận những nội dung, hướng dẫn về an toàn trên không gian mạng.
"Trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em thế giới, nhưng trong 4 năm này, các em không được bảo vệ tốt trên không gian mạng", ông nói.
Ông Khoa cho biết hiện Việt Nam có 24,7 triệu trẻ em (chiếm 25% dân số) và 2/3 số này dùng dùng Internet. Độ tuổi dùng Internet nhiều nhất là 14-15 (93%), kế đó là 12-13 tuổi (82%). Các em thường dùng Internet để phục vụ việc học, giải trí, kết bạn, chia sẻ thông tin và mua sắm.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD), các rủi ro mà trẻ có thể gặp trên mạng rất đa dạng, gồm tin giả, tin kích động, bạo lực, những video, hình ảnh không phù hợp, hay bị phát tán thông tin, bị lôi kéo tham gia nội dung không lành mạnh. Số liệu khảo sát năm 2020 của MSD cho thấy 40% trẻ cảm thấy không an toàn, hơn 70% từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet.
Lý giải, bà Linh cho rằng do các em chủ yếu tự học về Internet nên chưa hiểu đầy đủ những nguy cơ khi sử dụng. Ngoài ra, người lớn chưa giải thích thấu đáo mà chỉ cấm đoán sẽ gây tác dụng ngược, khiến các em càng tò mò và tìm hiểu.
"Internet có thể vượt qua cánh cửa an toàn của gia đình, nhà trường, nên cần có biện pháp bảo vệ trẻ", bà Linh nói.
Tháng 6/2021, Chính phủ phê duyệt chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2021-2025". Ngoài các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, giáo dục để nâng cao nhận thức cho các em là một giải pháp được nhấn mạnh.
Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Phổ thông liên cấp Edison (Hà Nội), cho biết trường đã đưa ra bộ quy ước sử dụng mạng xã hội với học sinh. Trong đó, các em được khuyến cáo nên sử dụng ảnh đại diện, tên thật trên mạng xã hội; dùng ngôn từ văn minh, hình ảnh, video tích cực. Nếu học sinh vi phạm, tùy mức độ, trường có thể nhắc nhở hoặc xử lý theo quy định.
Bà Minh cho rằng các trường cần tăng cường tổ chức các chuyên đề giáo dục, kỹ năng sống, lồng ghép hướng dẫn sử dụng Internet an toàn trong các môn học liên quan như Công nghệ, Tin học.
Về phía gia đình, theo bà Nguyễn Phương Linh, phụ huynh cần giúp trẻ có kiến thức, kỹ năng để phân biệt đúng sai. Bố mẹ có thể không giỏi công nghệ bằng trẻ, nhưng cần biết các nguồn hỗ trợ, đồng hành với con khi dùng Internet. Bà Linh cũng khuyên phụ huynh và giáo viên tránh thái độ "người chỉ đạo", mà đón nhận phản hồi và học hỏi từ con em mình.
"Chối bỏ Internet, không cho trẻ em tiếp cận là tụt hậu. Chúng ta cần bảo vệ, hỗ trợ, ở phía sau giúp các em phát triển lành mạnh trên môi trường số", ông Khoa nói.
Thanh Hằng