Khi công nghệ giáo dục tiếp tục phát triển và các ngành nghề ngày càng đòi hỏi các ứng cử viên am hiểu công nghệ, tranh cãi về việc thời lượng học sinh sử dụng công nghệ thế nào là phù hợp cũng ngày càng nóng lên. Trang công nghệ giáo dục EdSurge (Mỹ) đã hỏi ý kiến một số chuyên gia giáo dục và công nghệ để đưa ra cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.
Emily Weinstein, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Harvard cho rằng, các nhà giáo dục khi bàn luận về vấn đề sử dụng màn hình của trẻ em thường tập trung quá nhiều về thời gian sử dụng, mà không phân tích tới việc chúng đang thực sự làm gì khi ngồi trước những màn hình đó.
"Có một sự khác biệt rất lớn, ít nhất là về độ an toàn của đứa trẻ giữa việc dành 15 phút trên Instagram để tìm kiếm nội dung truyền cảm hứng, so với cùng một khoảng thời gian tương tự nhưng xem nội dung gây hại", Weinstein nói.
Theo Weinstein, nội dung trên màn hình quan trọng hơn thời gian nhìn vào màn hình. Nhìn nhận trên quan điểm này, việc giới hạn thời gian sử dụng trong một ngày là bao nhiêu ít giá trị hơn việc khai thác thời gian đó hiệu quả thế nào.
Richard Culatta, điều hành Cộng đồng giáo dục công nghệ toàn cầu (ISTE) cũng cho rằng câu hỏi về thời gian trên màn hình không hữu ích như câu hỏi về những gì học sinh đang làm với thời gian đó. "Nếu một học sinh đang nhấp qua một cuốn sách giáo khoa kỹ thuật số hoặc làm việc với bảng số, tôi hy vọng rằng cô ấy ít sử dụng màn hình. Mặt khác, nếu cô ấy đang sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề, cộng tác và tham gia với các đồng nghiệp trên toàn thế giới, thì tôi hy vọng rằng cô ấy sẽ có nhiều thời gian hơn trước màn hình", Culatta nói.
Bốn giá trị tích cực công nghệ mang lại
Trao đổi về vấn đề này, Anya Kamenetz, nhà báo, tác giả cuốn sách "Nghệ thuật cân bằng giữa truyền thông số và đời thực" chia sẻ: "Sử dụng màn hình một cách tích cực là giúp phát triển 4 giá trị: sự sáng tạo, kết nối, khám phá và niềm vui". Sáng tạo có thể là dùng công nghệ để hòa trộn âm thanh, hình ảnh, lập trình, thiết kế ứng dụng... Sử dụng công nghệ kết nối là dành cho mục đích giao tiếp. Khám phá có nghĩa là truy cập internet, hoặc một số phần mềm giáo dục, để tìm hiểu, thực hành các kỹ năng mới. Và niềm vui khi dùng công nghệ có thể là xem, nghe âm nhạc, nội dung, cũng như chơi các trò chơi lành mạnh.
Theo Kamenetz, để sử dụng công nghệ hiệu quả, người định hướng sử dụng công nghệ cho trẻ em cần cố gắng giảm bớt việc sử dụng công nghệ vô nghĩa, giết thời gian, mà chú trọng vào sự cân bằng của cả bốn giá trị trên.
Giáo viên là đầu tư quan trọng nhất để phát triển công nghệ
Với quan điểm chú trọng chất lượng sử dụng hơn thời gian sử dụng, Culatta cho rằng kinh nghiệm học tập nào có thể được cung cấp cho học sinh thông qua các loại hình kỹ thuật số là câu hỏi chính trong việc khai thác công nghệ giáo dục. Khi các nhà giáo dục có chuyên môn và phát triển những lợi thế công nghệ trong giáo dục, lợi ích mà nó mang lại là không thể tin được.
Tuy nhiên, ông cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất là giáo viên đến với lớp học kỹ thuật số thường không có mục tiêu rõ ràng và không đủ hiểu biết để khai thác công nghệ một cách thích hợp. Vì thế, theo Culatta, phần quan trọng nhất của việc thực hiện công nghệ là đầu tư vào giáo viên chứ không phải là thiết bị. "Ngay cả trường học với công nghệ hạn chế cũng có thể tạo ra những trải nghiệm học tập tuyệt vời, miễn là giáo viên biết cách sử dụng công nghệ hiệu quả", Culatta nói.
Culatta cho rằng, các tài nguyên cần thiết mà nhà trường và các đơn vị cần phát triển chủ yếu nên dành cho mục tiêu đào tạo và hỗ trợ giáo viên tích hợp công nghệ vào lớp học. Các thiết bị cầm tay có mặt khắp mọi nơi trong cuộc sống của tất cả học sinh, vì vậy cần tập trung vào việc giúp học sinh sử dụng công nghệ để theo đuổi mục tiêu học tập của mình. Giáo viên với kiến thức và khả năng khai thác công nghệ hiệu quả sẽ là người hỗ trợ tuyệt vời cho học sinh để phát triển lợi thế này.
Nguyên Chương (theo EdSurge)