Từ sáng sớm "Ngày Chủ nhật Xanh" (31/5), đoàn hơn 300 người được chia thành các đội nhỏ để thi đua làm sạch khu danh thắng Tây Thiên. Ngoài các sinh viên, tình nguyện viên cùng chư ni, Phật tử, Ngày chủ nhật xanh còn thu hút sự tham gia bất ngờ của nhiều trẻ nhỏ theo chân bố mẹ đi nhặt rác.
"Bình thường mẹ rủ đi đâu thì hay từ chối, vì tự cho là lớn rồi, không thích đi với mẹ. Nhưng hôm qua khi bảo đi nhặt rác để bảo vệ môi trường ở Tây Thiên thì cháu lại xin theo", Thu Hồng, phụ huynh bé Mai Ngọc An (học sinh lớp 5, trường Chu Văn An, Hà Nội), nói.
Khu vực nhặt rác của "chiến dịch" lần này trải dài hơn 4 km từ trên núi xuống tận Đại Bảo tháp Tây Thiên.
Bác Lĩnh, một người bán hàng có thâm niên 30 năm tại Tây Thiên, cho biết sau mỗi mùa lễ hội (từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch), lượng rác thải để lại khá lớn, khiến các nhân viên vê sinh của Ban quản lý danh thắng Tây Thiên làm việc hết công suất mà không hết việc.
Suối Tây Thiên đã bị rác làm ô nhiễm nên các hộ dân trong khu vực phải đầu tư hàng chục triệu đồng để bắc đường ống dẫn nước từ trên khe cao xuống để dùng.
“Chúng tôi mong hoạt động tình nguyện này của các bạn sinh viên sẽ giúp cho du khách và người dân có ý thức hơn trong việc gìn giữ vệ sinh. Những con đường đã được các cháu dọn sạch sẽ, sẽ khiến người ta phải suy nghĩ trước khi định vứt rác bừa bãi", chị Thanh Hằng, một chủ quán khác trong khu vực, nói. Chị tình nguyện nấu ăn bữa cơm chay phục vụ các tình nguyện viên của Ngày chủ nhật xanh nói.
Chia sẻ trong bữa cơm chay đơn giản do chư Ni và Phật tử chuẩn bị cho các tình nguyện viên, Cường, người được bạn bè gọi là chuyên gia du lịch bụi nói: “Tôi từng chứng kiến nhiều bạn chỉ thích được cắm trại ở những khu rừng hay bờ biển sạch tinh tươm, nhưng rồi khi rời đi, họ lại vô tình hay cố ý không mang đống rác thải của nhóm mình về nơi quy định. Hoặc phổ biến hơn là có những người vừa nhăn mặt khó chịu vì rác thải nơi công cộng lại vừa tiện tay ném thêm ném thêm bao nilon hay vỏ lon xuống đất. Hy vọng rằng những hoạt động như Ngày Chủ nhật Xanh sẽ được tuyên truyền và nhân rộng hơn, để mọi người không còn tiện tay một cách đáng buồn như vậy nữa”.
Các tình nguyện viên tham gia nhặt rác là thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ Thăng Long- YDA Việt Nam cùng sinh viên Đại học Quốc gia (10 trường ĐH), thành viên CLB Trí thức Trẻ Hà Nội và chư ni, Phật tử Đại Bảo tháp Tây Thiên.
Chương trình YDA Việt Nam do YDA quốc tế, một tổ chức thiện hạnh có trụ sở tại Ladakh Ấn Độ, khởi xướng, với sự bảo trợ của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Chương trình nhằm thực hiện các hoạt động thiện nguyện, bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Đỗ Huyền