Ở Anh, trẻ em bắt đầu được giáo dục giới tính khi còn mầm non. Pháp luật Anh quy định rất rõ rằng trẻ khi đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu học về giới tính một cách bắt buộc. Chương trình với tên gọi “Khóa học Nhà nước yêu cầu” được áp dụng cho tất cả học sinh tại các trường công lập hay tư thục cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Chương trình học được chia làm 4 phần tương ứng với 4 độ tuổi.
Ngoài ra, Vương quốc Anh còn đang áp dụng phương pháp “giáo dục đồng cấp”. Thông qua sự phát triển của việc giáo dục giới tính vị thành niên và việc sử dụng hình ảnh tương tác, phương pháp này được áp dụng nhằm hạn chế tệ nạn và tình trạng xâm phạm tình dục ở vị thành niên.
Trong khi đó ở Mỹ, việc giáo dục giới tính lại được phân theo các cấp học. Ở tiểu học, các em nhỏ được thầy cô giới thiệu sơ lược về những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà.
Ở cấp trung học cơ sở trở lên, kiến thức về giáo dục giới tính được nâng cấp lên đáng kể, trực diện và hướng dẫn chi tiết. Học sinh được tìm hiểu về tình dục, giới tính, các căn bệnh truyền nhiễm, việc mang thai… Tuy nhiên, cách mà người Mỹ dạy cho trẻ em còn lồng ghép cả nội dung giáo dục tính người: Biết quý trọng mạng sống và yêu quý người khác giới.
Song song với việc giáo dục ở nhà trường, các bậc phụ huynh cũng luôn chia sẻ với con cái về vấn đề giới tính, tình dục một cách thẳng thắn và cởi mở. Họ giải thích cặn kẽ chứ không giấu diếm. Lúc đầu bọn trẻ cảm thấy khá kỳ cục và ngượng ngùng, nhưng về sau lại rất chăm chú lắng nghe.
Theo Hội đồng thông tin và giáo dục giới tính Mỹ, 93% người lớn được khảo sát ủng hộ giáo dục giới tính ở trường trung học phổ thông và 84% ủng hộ tại các trường trung học cơ sở. Vì bằng phương pháp này, họ cảm thấy dễ dàng và thoải mái hơn khi trò chuyện với con mình về tình dục.
Ở châu Á, các quốc gia như Indonesia, Mông Cổ, Hàn Quốc cũng có những chính sách về giảng dạy giới tính tại trường học. Malaysia, Philippines và Thái Lan thiên về giáo dục chi tiết sức khoẻ sinh sản trong khi Ấn Độ lại có chương trình với mục tiêu hướng tới trẻ em từ 9 tới 16 tuổi.
Tại Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc từ 10 hay 11 tuổi, chủ yếu đề cập tới các chủ đề sinh học như kinh nguyệt và xuất tinh. Tại Trung Quốc và Sri Lanka, giáo dục giới tính truyền thống gồm đọc về giai đoạn sinh sản trong các cuốn sách giáo khoa sinh học.
Chinh Phạm