Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chia sẻ như trên, và nhận định tình hình dịch diễn tiến phức tạp, số ca nhiễm mới gia tăng kéo tăng số mắc ở trẻ em. Ngày 15/8, TP HCM đang điều trị 2.237 trẻ dưới 16 tuổi mắc Covid-19, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC). F0 trẻ em chiếm 10-15% tổng số trường hợp mắc Covid-19 khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR dương tính.
Khu cách ly, điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị khoảng 300 bệnh nhi. Số F0 trẻ em ghi nhận từ đầu tháng 7 đến nay nhìn chung cao hơn so với hai tháng 5, 6 đầu đợt dịch lần này.
May mắn, tỷ lệ trẻ chuyển nặng, nguy kịch chỉ khoảng 1%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 20% của người lớn. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhi Covid-19 tử vong. Hiện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị 5 trẻ (18 tháng đến 15 tuổi) đang phải thở máy, hồi sức tích cực do diễn tiến nguy kịch. Đây là thời điểm nhiều bệnh nhi trở nặng nhất, trước đó số ca bệnh nhi trở nặng chỉ rải rác.
Trẻ thường sẽ diễn tiến nặng vào ngày 5, 8, hoặc 10 sau khi mắc bệnh. Trước đó trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ. Khi trẻ bắt đầu sốt cao, thở mệt, trở nặng nhanh chỉ trong 12-24 giờ, phổi bắt đầu tổn thương, nồng độ oxy trong máu (SpO2) tụt xuống dưới 95%, phải chuyển cấp cứu.
"Điểm chung của các trường hợp trở nặng là trẻ thừa cân, béo phì", bác sĩ Tiến nói.
Theo bác sĩ Tiến, cơ địa béo phì là một yếu tố gây khó khăn cho quá trình điều trị. Các bác sĩ phải điều chỉnh lại cân nặng bệnh nhi cho thích hợp để sử dụng thuốc và dịch truyền. Từ đó tránh truyền thừa gây quá tải dịch, làm nặng thêm tình trạng suy hô hấp, hoặc truyền thiếu dịch gây giảm tưới máu các cơ quan, gây khô đàm tắc đàm đường hô hấp.
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần có biện pháp giảm cân cho trẻ bị dư cân bằng cách tăng cường vận động tập thể dục, làm việc nhà, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.
Các dấu hiệu thường gặp ở cả trẻ em và người lớn mắc Covid-19 là sốt, đau nhức toàn thân, đau bụng, tiêu chảy, mất vị giác, tê đầu lưỡi, mất khứu giác... Sau một tuần mắc bệnh, các triệu chứng ở trẻ sẽ giảm dần, nếu trẻ vượt qua tuần này thì bệnh lui, phục hồi sức khỏe.
Giai đoạn 5-10 ngày sau khi mắc bệnh, một số trẻ có thể trở nặng hơn. Phụ huynh cần đặc biệt chú ý theo dõi nhịp thở, cách thở của con. Thở nhanh, thở bất thường là dấu hiệu báo động trở nặng. Thở bất thường gồm thở rút lõm ngực, co kéo cơ liên sườn, phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức. Thở nhanh là khi trẻ dưới hai tháng tuổi thở trên 60 lần/phút; trẻ hai tháng tuổi đến dưới 12 tháng thở trên 50 lần/phút; trẻ một đến 5 tuổi thở trên 40 lần/phút. Lúc này, nếu trẻ đang ở nhà thì cần phải nhập viện thở oxy, chăm sóc tích cực.
F0 trẻ em khi trở nặng có thể gặp biến chứng hội chứng viêm đa hệ thống (tương tự như bệnh kawasaki - viêm mạch). Có nghĩa là em bé có biểu hiện nổi ban ở da, phù nền niêm mạc, tay chân nổi đốm đỏ dưới da, sưng, ói mửa, mạch và huyết áp tụt, mắt đỏ... ảnh hưởng cơ tim, mạch vành của trẻ, gây suy tuần hoàn, sốc tim.
Biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh, từ một F0 có thể lây cho 8-9 người, bệnh dễ trở nặng. Trẻ thuộc nhóm chưa được tiêm vaccine, hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện, non yếu hơn người lớn. Do đó, để phòng tránh Covid-19 cho trẻ, gia đình cần luôn tuân thủ theo chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, địa phương. Đặc biệt, nên bỏ thói quen vẫn ăn cơm chung, ngủ chung trong thời điểm này. Bác sĩ Tiến khuyến cáo, nếu không phải trường hợp bất khả kháng, nên để trẻ ngủ một mình, ăn cơm riêng, lý tưởng là cách xa người khác tối thiểu 1-2 mét.
Bên cạnh đó, trẻ em đang độ tuổi phát triển cơ thể, ngoài dinh dưỡng cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động, trẻ còn cần năng lượng tăng trưởng. Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý theo tuổi, phụ huynh nên cho bé ăn rau quả trái cây, cung cấp vitamin nhóm D, A, C. Nhóm vitamin này có tác dụng tăng cường miễn dịch rất tốt, làm niêm mạc đường hô hấp khỏe mạnh, khiến virus gây Covid-19 khó xâm nhập.
Thư Anh