Miền Bắc đang hứng chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản do bão Yagi và hoàn lưu gây mưa to lũ lớn nhất 30 năm qua. Tính đến 7h ngày 12/9, cả nước ghi nhận 325 người chết, mất tích. Nhiều trường hợp may mắn sống sót song bị đa chấn thương nặng, chấn thương sọ não, gãy xương, chấn thương phần mềm... Số khác bị ám ảnh, sang chấn tâm lý, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng ghi nhận nhiều gia đình tử vong cả hai vợ chồng, để lại con nhỏ.
Theo thạc sĩ Tâm lý Lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn và trị liệu tâm lý Lumos, chấn thương tâm lý ở trẻ em vùng bão lũ có thể rất nghiêm trọng và có tác động về cả chiều rộng và chiều sâu.
Ngay sau thiên tai, trẻ thường trải qua khó khăn đầu tiên về mặt thể lý như nhu cầu ăn uống, nhu cầu an toàn. Tiếp theo là những khó khăn về mặt tâm lý như sự sợ hãi, lo âu và rối loạn giấc ngủ, khiến trẻ cảm thấy bất lực và không an toàn. Nếu tình trạng này được hỗ trợ kịp thời, chấn thương tâm lý (Trauma) có thể chưa được hình thành và sẽ không để lại nhiều nguy cơ.
Tuy nhiên, trong trường hợp hoàn cảnh bất ổn kéo dài, không được hỗ trợ, chia sẻ, đặc biệt với trẻ mồ côi, các em có thể hình thành sang chấn tâm lý, nguy cơ dẫn đến lo âu, trầm cảm. Các sang chấn sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt ở trẻ như cảm xúc, hành vi, suy nghĩ, cơ thể..., tác động tiêu cực đến khả năng xây dựng, duy trì các mối quan hệ, gây khó khăn trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Đặc biệt, sang chấn có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, để lại nhiều hậu quả.
Thạc sĩ Thiện khuyến nghị trẻ em bị chấn thương tâm lý do thiên tai nên được điều trị qua nhiều phương pháp kết hợp để hỗ trợ phục hồi. Trước tiên, việc triển khai các chương trình giáo dục về ứng phó với căng thẳng và quản lý cảm xúc cho cộng đồng có thể giúp giảm tác động tâm lý ngay từ đầu. Tiếp theo, việc cung cấp tư vấn tâm lý hỗ trợ trẻ học cách hiểu, điều hòa và xử lý cảm xúc của mình. Các chương trình can thiệp sớm như trị liệu nhận thức - hành vi cũng có thể được áp dụng để giúp trẻ phát triển các kỹ năng đối phó và quản lý căng thẳng.
Thêm vào đó, trẻ cần được truyền đến thông điệp rằng chúng và gia đình đã, đang và sẽ nhận được sự hỗ trợ để đảm bảo từ nhu cầu thiết yếu hiện tại đến những hỗ trợ sau thiên tai. Và bão lũ là một thảm họa tự nhiên không ai mong muốn - không phải là lỗi của trẻ. Việc theo dõi và đánh giá thường xuyên cũng cần thiết để điều chỉnh phương pháp điều trị sao cho phù hợp với nhu cầu của từng trẻ và từng gia đình.
Ngoài ra, người chăm sóc trẻ cần quan tâm đúng cách bằng cách tạo ra một môi trường an toàn và ổn định sau thiên tai, bão lũ. Nên duy trì sự giao tiếp mở, lắng nghe và đáp ứng cảm xúc của trẻ một cách nhạy cảm để trẻ cảm thấy được hỗ trợ và hiểu biết. Việc đảm bảo và duy trì thói quen hàng ngày và cung cấp sự ổn định, nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt cũng rất quan trọng để giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn.
Người chăm sóc cũng nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động mang tính xã hội như học tập, sinh hoạt cùng nhóm bạn để giúp trẻ thoát khỏi căng thẳng và tạo ra sự cân bằng tâm lý. Tuy nhiên, sức khỏe thể lý, điều kiện vật chất và sức khỏe tâm lý của cha mẹ hoặc người chăm sóc cũng cần được hỗ trợ để cả gia đình có thể cùng đồng hành vượt qua tác động của thiên tai.
Chuyên gia khuyến cáo khi phát hiện con lo âu hoặc trầm cảm sau thiên tai, bão lũ, cha mẹ và người chăm sóc cần tạo một môi trường an toàn và hỗ trợ, khuyến khích con chia sẻ cảm xúc và lắng nghe mà không phán xét. Tiếp theo, duy trì thói quen sinh hoạt ổn định và áp dụng các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, giải tỏa cảm xúc, thiền để giúp trẻ giảm bớt căng thẳng.
Ngoài ra, phụ huynh nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý để đảm bảo con được đánh giá và điều trị phù hợp, đúng với tình trạng. Quan tâm, theo dõi tình trạng của con và cung cấp sự động viên thường xuyên để hỗ trợ quá trình hồi phục tâm lý.
Mỹ Ý
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.