"40 năm gây dựng, giờ mất trắng ở tuổi này", ông Phạm Văn Dương, 64 tuổi, giơ hai bàn tay chằng chịt vết rách, nói.
Với 30 lồng cá sót lại, gia đình ông gom những con còn khỏe, dồn vào một ô để chăm sóc. Những con 5-7 kg chết trắng mặt nước Vân Đồn. Suốt ba ngày nay ông Dương và những người làm công vớt bỏ đi không xuể. Số khác ngắc ngoải ông chưa biết làm thế nào. Bỏ thì xót xa, giữ lại chắc chúng không sống được, mang ra chợ bán không ai mua.
"Bão phá đau một lần, hậu bão đau tiếp lần nữa", ông nói.
Hòn Cò nằm giữa hai khe núi, là một trong những nơi địa điểm nuôi thủy sản trọng điểm của Vân Đồn. Nơi này tập trung hơn 30 hộ nuôi cá lồng và dây hàu. Qua bão Yagi, cả khu gần như bị xóa sổ. Các lồng bè bị đánh tan tác, chưa rõ chìm xuống biển hay trôi dạt phương nào. Số ít còn trên mặt nước cũng gãy vỡ, rách lưới, cá chết trắng.
Gia đình ông Dương nuôi 300 dây hàu, bị bão đánh mất tích. Hơn 270 lồng cá song, nhiều lồng đã nuôi 3-5 năm chuẩn bị thu hoạch, mất 90%. Một con tàu đúc bằng xi măng rộng 6 mét, dài 32 mét, kiên cố là thế cũng bị bão cuốn đâu không rõ. Tổng thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.
"Nhặt nhạnh những mảnh vụn, gắng dựng lại từ đầu vậy. Đâu thể bỏ được nghề", ông thở dài, nói.
Hôm 7/9 bão Yagi đổ bộ, ông Vũ Văn Hựng, 57 tuổi, bất chấp nguy hiểm ở lại canh tài sản. Nhưng cơn bão mạnh "40 năm chưa từng thấy" khiến ông giờ này không còn chốn dung thân.
Trong cơn cuồng nộ của biển cả, có lúc ông tưởng đã "làm mồi cho cá". Từng đợt sóng cao 5-7 mét dập lên, dập xuống phá tan những thuyền bè kiên cố nhất. Ông Hựng bám được vào mấy dây phao, cứ thế trôi trên mặt biển tối đen, sóng chỉ chực chờ nuốt chửng. Rồi ông chui được vào nhà bếp của bè hàng xóm.
Trôi cùng "nhà bếp" chừng 6 hải lý, ngư dân này mắc vào một eo gió ở Cửa Ông, Cẩm Phả. May mắn trong bếp có gas và lương thực nên ông trụ được đến khi chính quyền Vân Đồn đi ca nô ra giải cứu, 20 tiếng sau đó.
Quê ở huyện Quảng Yên nhưng vợ chồng ông Hựng mưu sinh ở Vân Đồn mấy chục năm nay. Ban đầu ông đi đánh bắt, sau mới tích cóp, vay mượn được để nuôi cá lồng bè. Vợ chồng ông còn chưa vực dậy được sau hai năm Covid-19, giờ lại tới bão Yagi. Toàn bộ số lồng cá trị giá khoảng 4 tỷ đồng của họ, tính cuối năm sẽ bán, giờ tan biến vào hư vô.
"Hy vọng trả nợ và có khoản tích cóp để về quê giờ chẳng còn gì", ông nói.
Trước hôm bão về, ngư dân Phạm Văn Bao, 47 tuổi, mơ thấy một con cá rất to chết trắng trên mặt nước. Hôm sau, bão cuốn phăng tất cả tài sản vợ chồng anh gây dựng gần hai chục năm nay, gồm một nhà bè, nhà bếp, nhà kho và 30 lồng cá. Thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng, nhưng anh Bao được đánh giá là người mất ít nhất ở Vân Đồn.
Khi bão qua, anh nhận tin cái bếp và nhà tắm của mình trôi xuống Cửa Ông. Thuê thuyền ra đến nơi, anh gặp chú chó của mình đang nằm ủ rũ trước căn bếp đổ nát. "Nhìn thấy con chó mừng rơi nước mắt", anh rơm rớm.
Thống kê sơ bộ cho thấy hầu hết diện tích đang nuôi trồng thủy sản của người dân Vân Đồn bị bão số 3 xóa sổ, 318 nhà bè, gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ, ước tính thiệt hại trên 2.200 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm là thời điểm thu hoạch hàu và cá của ngư dân, nhưng cơn bão quét sạch thành quả lao động bao năm, đẩy nhiều gia đình vào cảnh trắng tay, nợ nần.
Một ngày sau bão, vợ con ông Hựng khóc tức tưởi nhìn thấy chồng, cha vẫn còn giữ được tính mạng. Ông Hựng gạt đi "sống chết có số", rồi ngụp vào giữa đống đổ nát. Trên những bè phao, ông vớt lên những thanh gỗ, tấm lưới rách, đôi khi là những con cá to tướng đã chết bốc mùi.
"Giờ giống như 'rách áo cố nhặt lại cái cúc'. Còn gì dùng được cũng phải thu gom để bắt đầu lại", ông nói.
Phan Dương
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.