Theo các chuyên gia nghiên cứu về bệnh tim bẩm sinh ở nhiều nước trên thế giới thì tần suất bệnh khoảng 0,7-0,8%, tức cứ 1.000 trẻ ra đời thì có 8 bé bệnh tim bẩm sinh các loại. Khoảng 20-30% trường hợp cần thiết phải can thiệp (phẫu thuật) sớm.
Trẻ em cần được đi khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện bệnh sớm. Ảnh minh họa: mykentuckyheart.com |
Hiện nay với sự tiến bộ của y học, hầu hết các bệnh tim bẩm sinh đều có thể điều trị được bằng phẫu thuật hoặc thông tim can thiệp, thậm chí có thể can thiệp ngay sau khi sinh.
Trò chuyện về “Các bệnh tim thường gặp ở trẻ em” tại Trung tâm Truyền thông - Gíáo dục sức khỏe TP HCM cuối tuần qua, Phó giáo sư, tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện nay Việt Nam là nước thông tim can thiệp hàng đầu Đông Nam Á. Nhiều ca phức tạp đã được phẫu thuật thành công.
Theo bác sĩ Phúc, tim bẩm sinh là những tật tim từ trong bào thai, do bất thường trong quá trình hình thành và phát triển của phôi thai. Những nguyên nhân có thể gây nên bệnh tim bẩm sinh:
- Do bất thường cấu trúc gene (di truyền hoặc không di truyền).
- Người mẹ trong quá trình mang thai, nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ bị nhiễm siêu vi (rubella, sởi, quai bị, cúm…), nhiễm độc chất (rượu, thuốc lá, thuốc an thần, hóa chất, tia xạ…), mắc các bệnh mạn tính (tiểu đường, lupus ban đỏ…).
Có 3 loại tật bẩm sinh chính:
- Hẹp các thành phần trong tim như van hoặc các mạch máu ngoài tim.
- Có lỗ thủng ở vách ngăn giữa các buồng tim.
- Các mạch máu chính xuất phát từ tim ở những vị trí bất thường như dị tật “hoán vị đại động mạch”.
Trong một vài trường hợp các tật trên có thể phối hợp với nhau.
Để phát hiện sớm các trường hợp tim bẩm sinh:
Các trường hợp tim bẩm sinh có thể phát hiện sớm qua siêu âm tim bào thai lúc thai 16 tuần. Thai phụ nên đi khám định kỳ, nếu bác sĩ nghi ngờ sẽ kiểm tra siêu âm tim bào thai.
Trẻ em nên đi khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện sớm. Không nên đợi khi có triệu chứng rồi mới đi khám, đôi khi sẽ muộn và không điều trị được.
Các nguy cơ nếu không điều trị kịp thời:
- Với các tật tim bẩm sinh nhẹ, trẻ có thể tự khỏi hoặc sống bình thường.
- Đối với các tật tim bẩm sinh nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy tim, tăng áp động mạch phổi, tím tái nặng do thiếu oxy, chậm tăng trưởng, chậm phát triển tâm thần, vận động, nhiễm trùng phổi và nặng nhất có thể gây tử vong.
Phòng ngừa các tật tim bẩm sinh:
- Phụ nữ nên chủng ngừa cúm, sởi - quai bị - rubella, điều trị ổn định các bệnh mạn tính trước khi mang thai.
- Khi mang thai, tránh hút thuốc, uống rượu, tiếp xúc các hóa chất độc hại.
- Cẩn thận khi sử dụng thuốc trong lúc mang thai, phải tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa khi cần dùng thuốc.
Lê Phương