Có nhiều quan điểm trái chiều về độ tuổi thích hợp để trẻ bắt đầu học tiếng Anh - ngôn ngữ phổ biến top đầu trên thế giới, công cụ để giao tiếp và làm việc thiết yếu trong thời đại hội nhập.
Nhiều phụ huynh cho con làm quen với tiếng Anh khi mới 2-3 tuổi. Số khác muốn con bắt đầu tiếp xúc với ngoại ngữ khi bước vào lớp một, khi đã có khả năng giao tiếp trôi chảy bằng tiếng mẹ đẻ. Cũng có ý kiến cho rằng cấp hai mới là thời điểm phù hợp cho các con trong việc tiếp thu ngôn ngữ mới, vì con có ý thức hơn trong việc học.
Theo Telegraph, thời điểm thích hợp để con làm quen với ngôn ngữ thứ hai là giai đoạn 2-3 tuổi, bởi lúc này con háo hức khám phá thế giới muôn màu muôn vẻ, quá trình tiếp nhận kiến thức diễn ra một cách tự nhiên. Đây cũng là lúc hình thành não bộ và khả năng tư duy tốt, giúp con có khả năng bắt chước nhanh và ghi nhớ lâu hơn, thuận lợi cho việc trau dồi vốn từ cơ bản và phát âm chuẩn ngay từ đầu. Trẻ cũng có nhiều thời gian rảnh cho việc học thông qua các hoạt động vừa học vừa chơi, việc học không bị áp lực về điểm số, bài tập về nhà, các mục tiêu, kế hoạch trên lớp.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ người Italy - Maria Montessori cho rằng, trẻ nhỏ có những giai đoạn phát triển đặc biệt trước sự kích thích của môi trường xung quanh. Trong đó, thời điểm đầu học nói là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng vì trẻ có nhu cầu giao tiếp, rất tò mò, hiếu kỳ, thích quan sát, bắt chước và tìm hiểu những điều xung quanh. Để giao tiếp được, trẻ sẽ tìm cách diễn đạt và làm giàu vốn từ. Vì vậy, bà cho rằng 3 tuổi là giai đoạn "vàng" để trẻ học tập, thu nạp kiến thức về ngôn ngữ.
Chị Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch hội đồng quản trị đồng thời là nhà sáng lập IMAP Việt Nam chia sẻ, 0-6 tuổi là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành và phát triển tư duy ngôn ngữ của con. Đây cũng chính là giai đoạn phù hợp để bố mẹ bắt đầu cho con làm quen với tiếng Anh. Chị cho biết, 2 con gái tiếp xúc với tiếng Anh từ khi lên 2 và dần tiếp thu ngoại ngữ này một cách tự nhiên.
"Trên thực tế, giai đoạn thích hợp còn tùy thuộc khả năng của từng trẻ. Dù bắt đầu ở giai đoạn nào, bố mẹ cũng cần chắc chắn con đã có tư duy ngôn ngữ tiếng Việt nhất định. Điều đó có nghĩa là các con có thể sử dụng được những câu tiếng Việt cơ bản để giao tiếp hàng ngày một cách tự nhiên", chị Nguyễn Thị Hoa cho biết.
Cũng theo chị Hoa, việc có nền tảng tư duy tiếng mẹ đẻ sẽ giúp con có khả năng phân biệt rõ ràng từng ngôn ngữ và tư duy hai ngôn ngữ phát triển song song. Khi đó, ba mẹ, thầy cô hỏi con bằng Tiếng Anh, con trả lời bằng tiếng Anh và trong giao tiếp đời thường bằng tiếng Việt, các con không nhầm lẫn mà vẫn trả lời bằng tiếng mẹ đẻ.
"Không ai có thể phủ nhận lợi ích của việc học Tiếng Anh sớm. Tuy nhiên, để việc học tiếng Anh sớm có hiệu quả, điều quan trọng nhất là ba mẹ có hướng đi đúng và lộ trình phù hợp với khả năng của con", chị Hoa chia sẻ thêm.
Thảo Linh