WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cũng khẳng định, các bé trai mạnh mẽ hơn, trong khi các bé gái tự tin hơn trong tương tác xã hội, đặc biệt với người khác giới, khi trưởng thành.
Trước 3 tuổi, thế giới của trẻ em phần lớn trong vòng tay mẹ. Tuy nhiên, sau giai đoạn trẻ 3 tuổi, người bố dần dần đóng một vai trò quan trọng hơn rất nhiều. Thực tế, ngay cả khi ký ức ở giai đoạn trước 3 tuổi không sâu sắc, sự có mặt của người cha lẫn tình yêu của người cha đóng vai trò vô cùng quan trọng, mang lại cảm giác an toàn và nguồn sức mạnh.
Trong khi các bà mẹ rèn luyện con kỷ luật, khuôn khổ, sự vâng lời, người bố đôi khi cho trẻ được tự do hơn. Các ông bố có xu hướng "thả rông" con, dám buông tay để con thử làm điều chúng muốn, thay vì gìn giữ, ấp chúng cẩn thận như mẹ.
Trẻ cũng thích chơi với bố, vì người bố mang lại cho chúng cảm giác phiêu lưu, được kích thích tìm tòi, khám phá và đưa ra ý tưởng, được khuyến khích làm những điều mới mà chúng chưa từng thử qua. Kỹ năng thực hành của người bố cũng tốt hơn mẹ, vì thế, ở bên bố, trẻ được cùng mày mò máy móc, thiết bị, được lắp ráp... Ở với bố, trẻ thấy mình "lớn" hơn.
Một nghiên cứu của Đại học Yale, Mỹ cho thấy trẻ em được nuôi dưỡng bởi bố có IQ cao, có nhiều khả năng thành công trong việc xây dựng các tương tác xã hội. Không thể phủ nhận vai trò của người mẹ, nhưng ảnh hưởng của người cha tới trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ là vô cùng quan trọng.
Trong lĩnh vực tư vấn tâm lý trẻ em, nghiên cứu cho thấy một số trẻ nhút nhát, rụt rè, quan hệ với các bạn cùng lớp kém, hầu hết các trường hợp này có liên quan trực tiếp đến việc người bố không tham gia vào quá trình giáo dục của gia đình, có thể xuất phát từ việc bận rộn công việc, đã ly dị và hiếm đến thăm con...
Nghiên cứu cũng cho thấy, con gái không có bố gần gũi, thiếu tình yêu thương từ bố thường ít hài lòng với các mối quan hệ khác giới lẫn cuộc sống hôn nhân khi trưởng thành, trong khi con trai ít gần gũi bố có xu hướng yếu đuối, thiếu mạnh mẽ nam tính.
Văn hóa truyền thống Á Đông từng giữ quan điểm người vợ lo tề gia nội trợ, chăm sóc và nuôi dạy con cái, trong khi người chồng có trách nhiệm kiếm tiền. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ đòi hỏi tình yêu thương, sự quan tâm đầy đủ từ cha mẹ, sự phân công lao động linh hoạt và lợi thế bổ sung. Chính nhờ thế, trẻ mới phát triển khỏe mạnh và đầy đủ về thể chất, tinh thần, trở thành một hạt giống tích cực của xã hội.
Thùy Linh (Theo Aboluowang)