Dáng người ngắn cũn, rất đáng yêu của cậu bé Trần Huy Lượng dễ khiến người đối diện lầm tưởng "cu cậu mới bập bẹ biết nói" này sao mà hiếu động, thông minh. Nhưng không, kỳ thực Lượng đã 6 tuổi nhưng đang sở hữu cân nặng, chiều cao và trí tuệ của một cậu bé lên 2.
Chị Ngoan cho biết, Lượng là con đầu của gia đình anh chị, cháu sinh thiếu tháng, nặng 2,6 kg. Trong khoảng 3 tuổi đầu bé vẫn lên cân bình thường và chạm đến cân nặng như hiện tại. Từ đó, Lượng không tăng cân, không cao lên nữa.
"Lượng vẫn ăn được, ngủ được nhưng cháu không lớn, chậm phát triển trí tuệ. Nhà tôi có cô của Lượng cao được hơn 1m40, lại cứ tưởng cháu có gene giống cô. Đôi khi cũng nghĩ hay cháu sinh thiếu tháng, cân nặng không đủ nên mới thế", chị Ngoan cho biết.
Đưa con nhập viện, bác sĩ kết luận Lượng bị suy giáp, thiếu khoảng 30 cm chiều cao so với trẻ em cùng độ tuổi. "Bác sĩ bảo mỗi ngày cháu phải uống một viên thuốc và dùng cả đời. Chiều cao có tăng nhưng sẽ bị hạn chế, còn trí tuệ có vẻ không phát triển được nữa", chị Ngoan chia sẻ.
Cũng như vậy, con gái anh Quang (38 tuổi, Nghệ An) được 4 tháng tuổi, nặng 4 kg, suốt ngày quấy khóc, da khô, rốn lồi. Thấy con chậm lên cân, gia đình đưa đi khám cũng mới hay bé bị suy giáp bẩm sinh. Không tin vào kết quả này, mẹ bé ngồi bên khóc thút thít. Anh Quang vừa cho con bú, vừa dỗ vợ, dỗ con.
Dáng vẻ khắc khổ, anh Quang kể vợ chồng anh lấy nhau muộn lại khó đường con cái. Mất 5 năm đi chữa nhiều nơi, cuối cùng vào Từ Dũ mới biết được nguyên nhân gây vô sinh do anh. Từ đó, kiên trì điều trị, cuối năm ngoái vợ chồng anh cũng có một cô con gái.
"Lúc mới sinh, con tôi được 3,2 kg. Vợ lại bị mất sữa nên bé hoàn toàn phải dùng sữa ngoài. Tôi cứ nghĩ vì thế mà cháu lên cân chậm. Gần đây để ý những dấu hiệu lạ của con mới đưa đi khám. Hóa ra vì suy giáp mà cháu chậm lớn", anh Quang cho biết.
Ngược lại với hai trường hợp trên, cậu bé An, 8 tuổi, (Đông Anh, Hà Nội) lại bị tăng giáp. Đang cao vượt trội so với chúng bạn (chiều cao 1,45 mét) đột nhiên An từ 22 kg sút xuống còn 18 kg trong vòng 2 tháng, dù không ốm, không đau, vẫn ăn uống bình thường.
An nhanh nhảu, thích đùa nghịch. Chỉ đá bóng vài phút người cậu bé đã ướt đẫm. Mẹ vừa lau người cho An, vừa chia sẻ, con chị sinh ra hoàn toàn bình thường. Cháu lớn đều, thậm chí còn cao lớn hơn các bạn đồng trang lứa, trừ chứng đi ngoài phân lỏng, ra mồ hôi quá nhiều thì con chị không có gì lạ.
"Bác sĩ bảo cao lớn hơn so với độ tuổi, đi ngoài phân lỏng, mồ hôi nhiều, mắt lồi... chính là biểu hiện bệnh tăng giáp. Thế mà trước đây gia đình tôi cứ nghĩ cháu giống nhà nội như đúc, đều có gene mắt lồi", chị nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hùng - trưởng khoa Nội tiết 2, Bệnh viện nội tiết trung ương, suy giáp là bệnh thường gặp ở trẻ em, có thể là bệnh bẩm sinh, cũng có thể là bệnh mắc phải.
Suy giáp bẩm sinh là bệnh từ khi còn mang thai. Trẻ sinh ra bị chậm chạp, da vàng. Còn suy giáp mắc phải là do các bệnh lý như viêm tuyến giáp, thiếu iốt (chiếm phổ biến), rối loạn tổng hợp hoóc môn, do mổ cắt tuyến giáp không được điều trị dẫn đến tuyến giáp bị suy..., có thể mắc ở bất cứ lứa tuổi nào.
Biểu hiện của bệnh là trẻ bị táo bón, da khô, hơi vàng, chậm lên cân, chậm phát triển tâm thần, thể chất, lồi rốn, lưỡi đầy... Theo các số liệu mới đây, số lượng trẻ sinh ra mắc bệnh suy giáp khá cao, ước tính cứ 4.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc bệnh suy giáp, nhưng số trẻ được phát hiện và điều trị là chỉ chưa đầy 10%.
Nếu nghi ngờ trẻ bị suy giáp, cần đưa đến bác sĩ khám ngay. Với suy giáp bẩm sinh, nếu sau 3 năm không được điều trị sẽ bị đần độn vĩnh viễn. Do vậy phải điều trị càng sớm tốt. Ngay cả nếu có điều trị kịp thời, vẫn chỉ cải thiện về thể chất, khó cải thiện tinh thần. Dù là bệnh bẩm sinh hay tự miễn đều phải uống thuốc cả đời.
Suy giáp dạng mắc phải nếu xảy ra trong độ tuổi phát triển chiều cao, thể chất thì trẻ sẽ bị chậm, thậm chí ngừng phát triển. Người lớn mắc phải thì người sẽ bị chậm chạp, bị các rối loạn chuyển hóa, xơ vữa động mạch.
Bệnh cường giáp ngược lại với suy giáp. Trẻ thường cao nhanh hơn bình thường, ăn nhiều nhưng lại gầy sút cân. Nếu chụp tuổi xương sẽ thấy phát triển nhanh hơn tuổi đời của trẻ, chuyển hoá cơ bản tăng cao, nhưng các biểu hiện dậy thì lại đến muộn hơn trẻ cùng lứa tuổi, trưởng thành giới tính chậm hơn bình thường, người nhiều mồ hôi, mắt lồi...
Điều trị cường giáp tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà có thể điều trị nội khoa, phẫu thuật hay uống thuốc và bệnh có thể khỏi. Tuy nhiên nó là bệnh tự miễn nên có thể tái phát.
Phan Dương